20 C
Hanoi
Thứ Năm, 21 Tháng Ba, 2024
spot_img
HomeTử ViTầm quan trọng của việc học an sao tử vi

Tầm quan trọng của việc học an sao tử vi

- Advertisement -

Học Tử vi thì đương nhiên phải biết Tử Vi là cái gì !

Học Tử vi thì đương nhiên phải biết Tử Vi là cái gì !. Ấy thế nhưng nếu chỉ hiểu theo một nghĩa đơn thuần là « Tử vi là một môn dùng để xem bói ! » thì thực sự chưa phải là biết về Tử vi vậy.

Tử Vi, tức là tên chòm sao Tử vi trong hệ thống Thiên Văn học cổ đại. Theo hệ thống này, người ta quan sát bầu trời, tìm ra các quy luật vận hành của các tinh tú và hình thành một lý thuyết rất rộng lớn, bao hàm nhiều lĩnh vực. Để xây dựng lý thuyết, người ta quy hoạch bầu trời phương Bắc thành các khu vực (vì người Trung Quốc chỉ quan sát được các sao ở phía Bắc thiên cầu) :

Chính giữa bầu trời là 3 khu vực lớn bao gồm Tử vi viên, Thái vi viên, Thiên thị viên. Tử vi viên nằm ở trung tâm nên gọi là Trung thiên Bắc Cực Tử Vi đại diện cho sự lãnh đạo toàn bộ bầu trời, như một triều đình có đầy đủ văn võ bá quan. Còn Thái vi viên tượng trưng cho nơi Thái miếu, thờ phụng. Thiên thị viên là chốn chợ trời, đại diện cho mọi tầng lớp chúng sinh.

Xung quanh các khu vực này là hệ thống nhị thập bát tú chia làm 4 khu vực Thanh Long – Bạch hổ – Chu tước – Huyền vũ.

Vì vậy, chữ Tử vi ở đây là chỉ cái ý nghĩa dùng sự ảnh hưởng của các sao trong chòm Tử vi để đoán định số mệnh con người. (Chứ không phải như một số người giở từ điển ra tra, bảo rằng Tử = máu tím, vi = bé nhỏ…)
Bởi vì thế nên người ta mới gọi môn Tử vi là môn « Chiêm tinh học », tức là một môn quan sát các tinh tú trên trời để xem xét sự vật. Vì thế mà chúng ta khi tiếp xúc với môn học Tử vi sẽ thấy các thuật ngữ liên quan đến SAO, TINH, DIỆU… đều ở cái ý trên mà ra.

Tại sao tinh tú trên trời lại ảnh hưởng đến số mệnh ? Cổ nhân trước đã đưa ra thuyết TAM TÀI, tức là THIÊN – ĐỊA – NHÂN, con người và trời đất vốn có mối liên hệ với nhau « thiên địa nhân hợp nhất », vì thế nếu biết sự vận hành của trời đất thì cũng có thể sáng tỏ số mệnh cảu con người. Đến đây chắc sẽ có người đặt câu hỏi « thế sao không xem trực tiếp vào con người, mà lại phải thông qua mấy ngôi sao rồi mới đoán mò cho con người là thế nào ? » – Vì rằng, số mệnh của con người thì ẩn chứa, cuộc đời con người khó tìm được quy luật. Mà tinh tú trên trời thì vốn dĩ có quy luật đã quan sát được. Vậy nên mới phải dùng cái quy luật của tinh tú ấy để suy ra quy luật cho một đời người.

Còn nữa, một vấn đề liên quan đến tâm linh. Người ta cho rằng trên thế giới thiên đình có Ngọc hoàng, có tiên có thánh… Số mệnh con người đều do các đối tượng ấy quyết định., Một con người sinh ra thì vốn dĩ đã được « lập trình » sẵn cuộc đời (người ta gọi cái ấy là TIỀN ĐỊNH). Trong số các vị thần cai quản nhân sinh ấy thì có Nam Tào và Bắc Đẩu là hai ty chuyên cai quản cái sự SINH – TỬ của con người (Tử vi chính là Ty Bắc Đẩu). Cho nên người ta mới xem xét hai vị ấy động tịnh thế nào để đoán ra số mệnh con người. Chính vì thế mà trên lá số có thể hiện 2 hệ sao : Nam đẩu tinh hệ và Bắc đẩu tinh hệ. Nguyên do ở đây mà ra. (Trong phong tục của người Việt, mỗi khi có người chết người ta thường cắm 7 ngọn nến trên nắp áo quan theo đồ hình của Bắc đẩu thất tinh, mục đích cũng chính là muốn cầu cho linh hồn người đó được về với ty Bắc đẩu, nơi sẽ tái sinh kiếp sau cho con người).

Đến đây thì chắc mọi người đã hiểu được hai chữ Tử Vi có nghĩa là như thế nào rồi.

Vốn dĩ Tử vi được xây dựng lên dựa trên các lý thuyết rất rắc rối, nhưng vì nó dùng để soi xét số mệnh con người nên nó cũng không quá cách xa với đời sống thường nhật. Chúng ta hay để ý trên lá số tử vi, đấy là cả một xã hội với đầy đủ các thành phần. Từ vua quan đến binh lính, văn sĩ đến thợ thuyền, rồi trộm cướp, nhà trò còn hát… tất cả đều bày ra trên 12 cung địa bàn. Ai cũng như ai, cái thành phần của xã hội ấy không thay đổi, mà chỉ thay đổi về trật tự sắp xếp thôi. Nếu Vua ở đúng chỗ của Vua, giặc ở đúng chỗ của giặc thì là một xã hội tốt, một hoàn cảnh tốt. Nhưng nếu ngôi thứ đảo ngược, Vua thì xuống chỗ thợ thuyền, mà bọn đàn ca hát xướng thì nhảy vào triều chính…như vậy là một xã hội rối ren, nhiều nghịch cảnh, từ đó mà con người cũng khổ lây.

Nói như thế, có nghĩa rằng chúng ta không chỉ lấy Tử vi để xem bói ! mà nếu thực sự có tâm với Tử vi, muốn nghiên cứu sâu về tử vi, thì hãy nhìn nhận nó là một Triết Lý Nhân Sinh. Nghiên cứu nó để hiểu về cuộc đời, về xã hội và con người. Chúng ta đang sống trên cuộc đời này, trong quãng nhân sinh này thì cần phải biết được mối quan hệ của xã hội,nhân sinh. Từ đó mới có cách ứng xử với cuộc đời, thuận theo số mệnh mà sống để thực sự có một cái tâm thanh thản. Cái ấy mới là chính yếu của Tử vi vậy.

Phụ Lục:

Học Tử Vi thì đương nhiên phải biết an sao chứ !! Chẳng lẽ “thầy tử vi lại không an được cái lá số”, nghe có vẻ khó tin, thế nhưng một thực tế cho thấy rất nhiều người vì quá phụ thuộc vào máy tính, hoặc do lười không chịu nhập tâm, hoặc do nôn nóng muốn đi tìm hiểu ngay những lẽ huyền bí của tử vi mà bỏ qua giai đoạn “học an lá số”…

Vậy thì câu chuyện này cụ thể là thế nào? Tại sao chúng ta lại phải mất thời gian để tìm cách học an lá số? trong khi chỉ cần gõ mấy chữ và kết thúc bằng phím ENTER là có ngay một cái lá số với đầy đủ thông tin, xanh đỏ tím vàng…

Bàn về vấn đề này, điều đầu tiên mà tôi muốn khẳng định với các bạn là MUỐN HỌC ĐƯỢC TỬ VI – PHẢI BẮT ĐẦU TỪ VIỆC AN LÁ SỐ! Đây là tiên đề đầu tiên của những người muốn học tử vi.

An lá số, ngoài cái việc tính tính toán toán để xếp cho được hơn một trăm thứ (cả sao và cả thứ khác không phải là sao) vào 12 cái ô vuông… Thì quan trọng nhất của việc an lá số là chúng ta hiểu được cái QUY LUẬT VẬN HÀNH của các tinh tú. Điều này là một điều cực kỳ quan trọng, và cực kỳ cao siêu, nhưng nó lại bắt đầu từ những động tác sơ khai nhất. Và tất cả mọi sự bắt đầu từ chỗ này mà ra. Bởi vì, QUY LUẬT VẬN HÀNH CỦA TINH TÚ, CŨNG CHÍNH LÀ QUY LUẬT VẬN HÀNH CỦA ĐỜI NGƯỜI. Như phần Phụ luận trước tôi đã nói, “vì quy luật vận hành của đời người thì rất khó nhận biết, nên người ta phải thông qua cái quy luật vận hành của tinh tú để đối chiếu mà suy ra”.

Cho nên, cách học An Lá Số cần phải nghiên cứu thật kỹ. Nhưng việc này không hẳn là đã dễ dàng. Không phải ai cũng “hiểu” được tường tận quy luật vận hành này. Người duy nhất có thể hiểu được hết quy luật vận hành của tất cả các yếu tố trên lá số này chỉ có 1 người! Đó chính là HI DI lão tổ! Thực chất, có những vấn đề mà cho đến nay, sau cả ngàn năm tranh cãi vẫn chưa sáng tỏ được. Ví như việc an Tứ Hóa, hay việc an 2 sao Hỏa Linh v.v…

Nói thế, không có nghĩa là chúng ta không học được. Vì cái điều mà thiên hạ tranh cãi kia nó cũng không nhiều. Việc chúng ta học an lá số thì tùy theo trình độ của chúng ta mà nghiên cứu, nó có nhiều cấp độ khác nhau. Cao thủ thượng thừa thì tìm hiểu những huyền cơ thâm sâu, mà người mới nhập môn thì tìm hiểu những điều đơn giản. Ai cũng có việc của mình, nhưng nhất thiết không được bỏ qua.

Ở trình độ của chúng ta, việc nhớ được cách an sao là vấn đề quan trọng bậc nhất khi xem tử vi, mọi người phải hết sức cố gắng, không được trễ nải.

Đến đây thì chắc có người sẽ than thở “nói dài dòng quá, càng nói càng không hiểu”, yên tâm, tôi sẽ không làm phức tạp thêm vấn đề đâu. Để dễ hiểu, tôi thông qua vài ví dụ sau đây.

Ví dụ 1 : Ai cũng biết, Địa Kiếp – Địa Không vốn là hai sát tinh bậc nhất Tử vi, đóng đâu chết đấy! bất luận là cung nào, bất luận là tuổi nào, dù nhập Mệnh Thân, hay đóng vào hạn. Đều mang đến nhưng sự chẳng lành. Thế nhưng, trong cổ thư thì lại có 1 câu Phú “Tỵ Hợi Kiếp Không vô luận” (nghĩa là Tỵ Hợi – Kiếp Không không cần bàn đến).

Tại sao lại thế! Mỗi người nói một kiểu (trong đó đều là những cây đa cây đề có tai có tiếng cả đấy). Người thì bảo rằng Tuổi Tỵ, Tuổi Hợi thì ứ sợ Không Kiếp. Kẻ thì lại cho rằng người sinh tháng Tư (Tỵ) tháng Mười (Hợi) thì không cần tính đến Kiếp Không… Thế nhưng, nếu thực sự là người nghiên cứu kỹ cách an sao, hiểu rõ được quy luật vận hành thì ta thấy rằng “tất cả các quan điểm trên đều sai!”.

Từ từ rồi hãy đọc tiếp, các bạn nên quay ngay về bài giảng để đọc lại phần an 2 sao Không Kiếp (tôi chắc chắn rằng, vào lúc này các bạn chưa thể nhớ được Không Kiếp an như thế nào đâu). Sau khi đọc xong thì các bạn sẽ hiểu được ngay rằng, với cách an sao Không Kiếp như thế, thì đương nhiên Không Kiếp luôn đồng cung tại hai cung Tỵ Hợi, cũng có nghĩa rằng Không Kiếp luôn đối xứng nhau qua trục Tỵ Hợi. Đây là mấu chốt câu chuyện, nghĩa của Câu Phú trên có nghĩa là “cung Tỵ, cung Hợi thì không cần bàn đến Không Kiếp”.

Chắc chắn các bạn sẽ thắc mắc ngay, Không Kiếp xấu thế, nay lại đóng cùng một cung thì cung ấy kể như nát bét, thế mà thầy lại bảo là “không cần bàn đến”

- Advertisement -

Tôi sẽ giải thích ngay đây : Chúng ta nên nhớ rằng, sao thì có nhiều trạng thái, nhưng cơ bản thì chia làm 2 loại là Đắc địa và Hãm địa. Với Hung-Sát tinh, khi đắc địa thì tính hung sẽ giảm đi (hư hung), mà khi hãm địa thì tính hung sẽ tăng lên (thực hung) – (Đây là điều mà không ít “tử vi gia, đệ nhất tử vi, thần tử vi, thánh tử vi…” đều nhầm tưởng! rất nhiều người cho rằng Trạng thái Hãm của sao làm giảm tính chất của sao, vậy thì sao Hung khi hãm cũng giảm hung tính !!!!).

Quay lại với vấn đề chính, kinh thư có viết rằng “Tứ sát an tàng ư vượng địa”, tức là Tứ Sát (Hỏa Linh Không Kiếp) khi an vào đất vượng thì nằm yên không phá phách nữa. Vậy thì đã rõ, cung Tỵ cung Hợi là 2 cung đắc địa của Không Kiếp! Chính vì nó đắc địa, nên hung tính bị chuyển hóa nên có ích cho đời người (trên một phương diện nào đó), thành ra không thể luận là xấu được. Kể cũng phải, trời đất này vốn không có gì là đóng chặt, Càn Khôn còn có chỗ mở chỗ đóng. Nếu cứ lấy tính lý mà luận, thì khi 2 sao Không Kiếp đồng cung với nhau, hạn đến đấy chắc là không ai sống được. Nhưng thực tế thì cho thấy, Không Kiếp Tỵ Hợi, người ta vẫn bình an đó thôi…

Đấy, chỉ cần 1 câu phú thôi mà đã rắc rối như thế, nếu không “hiểu” cơ chế vận hành của sao thì khó lòng mà giải thích được, cũng đồng nghĩa với việc khó lòng mà luận cho đúng được. Vì nó rắc rối như thế, nên không ít những “ông thần, ông thánh, ông đệ nhất, nhà nghiên cứu” đều…nói bậy! Tất cả cũng chỉ vì không hiểu cách an sao.

Ví dụ:

Ví dụ 2 : Một câu hỏi hơi ngớ ngẩn một Tí : Kinh thư dạy “Lộc tồn bất khả cư tứ mộ” (lộc tồn không đóng ở 4 cung tứ mộ – Thìn Tuất Sửu Mùi), tại sao lại thế? Có gì ẩn ý ở đây chăng? Và tác dụng giải đoán của nó là gì?

Lại phải dừng ở đây để quay về với món “công thức” an sao (Không Kiếp mọi người chưa thuộc cách an, chắc Lộc tồn thì cũng thế thôi – học online, cưỡi ngựa xem hoa, đọc bài giảng theo kiểu webbrowser mà), vậy thì còn chần chừ gì nữa, hay quay ngay lại để đọc xem Lộc tồn an như thế nào rồi ta sẽ bàn tiếp…

Nhìn vào bảng an sao, ta thấy đúng là Lộc tồn “chừa” 4 cung Thìn Tuất Sửu Mùi ra thật, hóa ra là có nguyên do (thế mà em không biết!

)

Trước hết ta hãy xem Lộc Tồn nó là cái gì nhé :

“….Lộc tồn, trong “thập bát phi tinh” gọi là Thiên Lộc, an theo hàng Can của năm, không nhập trung cung, tức là không đi qua bốn cung Tứ Mộ. Trong thiên văn học cổ đại, Thiên Lộc thuộc hệ thống sao Bắc Thần, ngôi thứ 3 trong hệ Bắc đẩu, nằm ở phương Đông. Thường thấy trong các môn thuật số dưới nhiều tên khác nhau. Trong hệ cửu tinh của Kỳ Môn Độn Giáp nó trùng với phương vị của Thiên Xung. Trong Phong thủy, nó ứng với Họa hại, thuộc Tam Bích (phong thủy thì lấy ứng dụng của Kỳ môn phần nhiều, mà kỳ môn thì sử dụng 9 sao trong đó có Lộc tồn). Đi theo Lộc tồn (có cùng quy luật vận hành với Lộc tồn) là 6 sao khác, mà trong Tử vi chọn lọc lấy 5 sao đại diện. Trong đó có Kình Đà luôn an theo Lộc Tồn. Bằng chứng là cách an 2 sao Kình Đà đều dựa vào vị trí sao Lộc Tồn “Tiền Kình, Hậu Đà” là thế….”

Vậy thì đã rõ, Lộc Tồn là thuộc chòm sao Bắc Đẩu, ngôi thứ 3! Mà chòm Bắc đẩu vốn dĩ là trọng điểm khai sinh của Tử vi vậy, hơn nữa chúng ta biết rằng chòm sao Bắc Đẩu (Chính là chòm Đại Hùng tinh trong Thiên văn học hiện đại) được người xưa dùng nó để xác định 4 mùa theo từng năm. Cái này chắc các bạn phải mở rộng thêm chút kiến thức về Thiên Văn và Lịch Pháp thì sẽ hiểu rõ hơn. Nói “dùng nó để xác định mùa trong năm” tức là người ta quan sát cái “cán gáo” (vì chòm Bắc đẩu thất tinh có hình cái gáo múc nước) nếu nó chỉ vào phương nào thì tương ứng với mùa đó (ví dụ khi nó chỉ vào Phương Đông thì tức là mùa Xuân, khi nó chỉ vào Phương Nam tức là mùa Hè).

Vậy thì có thể suy ra rằng, quy luật vận hành của Bắc Đẩu là theo Mùa, vậy thì Lộc Tồn sẽ là đại diện theo Mùa, mà “Mùa” trong năm tức là chỉ về cái Khí thịnh suy của đất trời, chính là Tiết khí vậy. 12 sao trong “vòng” Lộc Tồn…nó chính là dùng để mô tả cái sự Vượng Suy của Thiên Khí ứng với Địa Nhân, mà trong đó vị trí của Lộc tồn chính là vị trí Địa Lợi, vì có được Địa lợi nên mới xưng danh là Lộc. Phát biểu một cách toán học, thì“phương vị được địa khí vượng gọi là Địa lợi, là phương vị mà Lộc lưu giữ (tồn) ở đấy”.

Nhưng để tìm đến gốc gác vấn đề, thì cái mà gọi là Thiên Khí ấy, nó lại được diễn bằng một công thức rất chuẩn mực, đó là Hà Đồ, Lạc Thư – biểu diễn vũ trụ bằng số!.
Để mọi người dễ hiểu, ta nôm na thế này : Do Lộc được xác định theo Mùa, mà Mùa thì tương ứng với Phương hướng và với các Quẻ trong bát quái, nhưng khổ nỗi, để quy nạp được hàng CAN vào cho tương ứng với phương hướng và quái quẻ, thì CAN có 10, mà quẻ và phương vị chỉ có 8! Vậy thì sẽ thừa ra 2 chú, có nghĩa là sẽ có 2 chú hàng CAN không được ghép vào quẻ nào. Do vậy, người ta mới đem 2 CAN Mậu và Kỷ để xếp nó vào trung cung (vì trong dãy 10 CAN thì Mậu và Kỷ cũng ở giữa mà) Ghép với Ngũ Hành thì nó thuộc Thổ. Thế rồi người ta lại đem 12 Địa Chi để phối với phương hướng, cái này còn tệ hơn ở chỗ nó thừa ra đến … 4 chú, vì thế người ta lại đem 4 chú Địa Chi (Thìn Tuất Sửu Mùi) này gửi vào Trung cung. Mà trung cung lại thuộc Thổ, nên Thìn Tuất Sửu Mùi đương nhiên là thuộc…Thổ. Nhưng trên tử vi, vì Địa bàn an theo 12 cung Địa Chi nên nó vẫn đủ, tức là 4 chú Thìn Tuất Sửu Mùi vẫn có chỗ đứng.

Và cũng chính vì thế, nên khi Xác định Lộc Tồn theo hàng CAN (Thực chất nếu xác định theo hàng Chi thì cũng thế thôi, nhưng chọn hàng CAN cho nó…dễ, vì nó ít), thì vừa vặn 8 cung, 8 quái. Nhưng khổ nỗi, hai tuổi Mậu-Kỷ vốn dĩ ở Trung cung, chẳng lẽ lại đem sao Lộc Tồn ghi vào ..thiên bàn. Không thể được, vậy thì phải tìm chỗ cho nó đứng. Người ta mới xét, theo cái sơ đồ trên thì Bính Đinh thuộc Hỏa, sinh ra Thổ nên gửi nó ở cung này (còn lý do thì dài dòng quá, tính sau). Vì thế, quay lại cách an Lộc tồn, ta thấy 2 cung Bính-Đinh, Mậu-Kỷ là trùng nhau.

Thôi, nói thế lan man dài dòng quá, làm mọi người rối trí, mục đích của tôi chỉ là để các bạn thấy được cái sự thâm sâu của việc “an sao”, một sao được đặt lên tinh bàn là cả một vấn đề! Không đơn giản chỉ là đếm ngược đếm xuôi rồi ghi nó vào đúng chỗ.

Vấn đề bây giờ cần nói, đó là câu hỏi “dài dòng thế, lắm thứ lan man thế, vậy thì nó ảnh hưởng thế nào đây”?

Vâng, cái này với người học tử vi thì là quan trọng bậc nhất rồi! Tôi sẽ nói ngay…

Thứ nhất

Thứ nhất, nó là chỗ Địa lợi, tức là nơi lưu giữ tiền tài nên người ta gọi nó là Lộc Tồn, vì thế đương nhiên là nó chủ về Tiền Bạc. Nhưng sẽ phải hiểu sâu thêm rằng, vì nó gần gần như “trạng thái của cung vị” nên chỉ khi nào “mình” đứng vào chỗ ấy mình mới được hưởng (vì “chỗ ấy” là Địa Lợi mà), còn nếu nó đứng xa xa mà chiếu vào thì chỉ như cơn mưa mát mặt. Và cũng chính vì thế rất cần con Thiên Mã (cách Lộc Mã giao trì) để hóa nó thành …của mình (cái này sẽ giảng sau). Chứ không phải như một số bác “đệ nhất tử vi” cứ nhìn thấy Lộc là bảo đương số …giầu (mà giầu thì chẳng lẽ xem xong lá số lại đưa ..10 nghìn

)..

Thứ 2

Thứ hai, vì trên đã nói, nó đại diện cho Mùa trong năm, tức là chỉ có tại 1 thời điểm nhất định (chính là cái năm mà ta sinh ra) thì cung Lộc Tồn đóng nó mới Vượng, mới là Địa lợi thôi. Còn năm khác thì không. Vì thế, để xác định cho chính xác các cung Địa Lợi vượng theo năm, người ta phải dựa vào sao “Lưu niên”, tức là sao an theo từng năm cụ thể chứ không phải chỉ an theo năm sinh. Và như vậy, thì Lưu niên Lộc tồn sẽ là sao rất – rất – rất quan trọng trong việc xem xét tiền bạc (Cái này thì chắc các bạn đã hiểu)…

Thứ ba…

- Advertisement -

Thứ tư…

…Đại loại thế.

Tạm thời thì chỉ nêu vấn đề gợi mở thế thôi, để các bạn thấy con đường nghiên cứu Tử vi nó khổ ải như thế nào. Cho nên, nếu sau 30 năm các bạn mà có thể hiểu được tử vi, cũng tức là hiểu được huyền cơ tạo hóa, hiểu được nhân sinh trần thế… chắc chắn các bạn sẽ bắt chước Hi Di tổ sư đi vào núi…ở ẩn.

Đấy, đến đây thì chắc các bạn sẽ tắt máy tính, và đi uống vài viên paracetamol để giảm đau đầu. Tôi cũng biết là nó rất phức tạp, nhưng không còn đường nào khác. Vì tôi muốn thông qua mấy cái ví dụ này để các bạn thấy được tầm quan trọng của việc học cách an sao. Và chắc chắn rằng, những người mà xưng danh là “đệ nhất tử vi” “nhà nghiên cứu” “Tử vi gia”… sẽ gỡ biển hiệu xuống sau khi đọc những dòng này. Vì “bể học vô bờ”.. quay đầu lại là bờ !!!

- Advertisement -
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisement -
- Advertisment -

Có thể bạn thích

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY