30 C
Hanoi
Thứ Hai, 8 Tháng Bảy, 2024
spot_img
HomeTạp họcTử Vi Đông A (Phần 2) – Tuvivietnam

Tử Vi Đông A (Phần 2) – Tuvivietnam

- Advertisement -

Bộ Đông A Di Sự chia ra làm 4 phần. Phần thứ nhất chép tiểu sử các vị hoàng đế, hoàng hậu, vương, hầu, phi, tần trong hoàng tộc đời Trần. Phần thứ hai chép thi văn nghệ thuật. Phần thứ ba chép về ngôi mộ Thái Đường, phát tích của nhà Trần. Phần thứ tư chép về Tử Vi (tất nhiên là chỉ chép các việc có liên quan, xẩy ra trong cung nhà Trần mà thôi). Đây là một bộ sử được coi là đúng nhất nói về các chuyện trong hoàng cung nhà Trần, vì do các người trong hoàng cung chép về các chuyện trong hoàng cung.

Người khởi công chép là Huệ Túc Phu Nhân, là vợ vua Trần Thái Tông. Tiếp nối theo là quan tể tướng Đoàn Nhữ Hài và Trần Nguyên Đán. Sau đây chúng tôi xin trích dịch bài Huệ Túc Phu Nhân Liệt Truyện trong phần thứ nhất, để độc giả thấy rõ lối văn kỳ diệu cùng những bí ẩn trong hoàng cung nhà Trần, đặc biệt là những giai thoại kỳ thú về Tử Vi.
I . Một lá số kỳ lạ

Huệ Túc Phu nhân là con út của Tống triều di thần Hoàng Bính, húy là Thủy Thiên. Khi Hoàng Bính tiên sinh còn làm quan tại triều Tống, thì phu nhân của tiên sinh đã sinh năm người con trai mà chưa có người con gái nào. Phu nhân thường than thở ước ao có được một người con gái. Tiên sinh có nói rằng:
– Ta nhất sinh khảo về Tử Vi thấy cung Tử tức có Lương Nhật tại Mão cung ngộ Khoa, được Thái Âm ở thiên môn chiếu sang, Lương Nhật thuộc Nam đẩu tinh tại nội mạnh hơn Nguyệt ở bên ngoài chiếu, thành ra sinh năm con trai liền. Nhưng Mão là âm cung, thêm Nguyệt chiếu thì thế nào cũng sẽ có một nữ tử quý lắm. Hạn của ta cũng như phu nhân, năm tới đều có số sinh con gái. Như thế thì phu nhân khỏi mong ước lâu.
Một đêm, tiên sinh ngồi đọc sách tại thư phòng, bỗng thấy một người con gái tú lệ khác phàm xộc đi vào trước sân nhà, tiên sinh bèn hỏi:

– Nàng kia là ai mà dám xông vào thư các của ta?

Nữ nhân quỳ xuống ôm mặt khóc:

– Thưa đại quan, tôi bị thác oan. Tôi tên là Thủy, vốn là con của một nho sinh, khi đi qua khúc sông ngoài Tây thành bị tên phú hào tên Ngô Phượng cưỡng bức. Tôi cắn lưỡi tự vẫn để khỏi ô danh thất tiết. Nó bỏ xác tôi xuống đáy sông, cạnh cây phong ba chạc, xin đại quan soi xét.

Tiên sinh phán:

– Nàng đi cùng ta đến gặp quan địa phương.

Nữ tử chạy lại ôm lấy chân của tiên sinh. Tiên sinh giật mình tỉnh giấc mộng, coi lại là giờ Sửu. Tiên sinh bèn gọi kẻ tùy tùng gióng ngựa ra Tây thành. Đi đến khúc sông có cây phong ba chạc, sai tùy tùng xuống mò, quả nhiên thấy xác chết còn tươi của người con gái tên Thủy trong mộng. Tiên sinh bèn truyền gọi quan địa phương đến giao cho điều tra. Tên Ngô Phượng bị bắt, khảo, xưng hết, bị án trảm. Tiên sinh sai liệm xác Thủy, chôn cất tử tế bên sông. Trên mộ có đặt tấm bia, thủ bút bốn chữ TRINH LIỆT THUẦN CHÍNH.

Đêm đó khi về đến nhà tiên sinh mộng thấy Thủy đến quỳ lạy:

– Tiểu nữ muôn tạ đại quan, nguyện xin đầu thai để báo đáp công ơn.

Sau đó thì phu nhân của tiên sinh thọ thai. Năm Tân Sửu, tháng ba, giờ Dần, ngày 24 phu nhân sinh được một bé gái, tú lệ khác phàm. Đặt tên là Thủy Thiên.

Tiên Sinh bấm số than:

– Cung số của ta, Thân tại Di cung ngộ Tham, Quyền, Đào, Hồng, Khôi. Sự nghiệp viên thành ngoại xứ. Số phu nhân ta Thân cư Phu Quân, thì đương nhiên bôn ba theo ta rồi. Trong năm con trai, người nào cũng Thân tại Di cung, đến Thủy Thiên Thân cư Quan lộc ngộ Nhật, Tả, Khoa, Quyền, Khúc, Việt, quá tốt, như vậy thành danh nhờ ta và chồng nó sau này. Thế thì cả nhà ta phải xuất ngoại mới thành danh. Ta trộm xem số của Hoàng thượng cùng chư Vương, Thái tử, Tam công, Cửu khanh, thấy vận cùng cả rồi, chắc là không khỏi vong quốc. Âu là ta mang cả tộc thuộc Nam di để khỏi nhìn thấy quốc phá.

Phu nhân hỏi:

– Số của đứa gái này tốt chăng? Lớn lên đẹp chăng?

Tiên sinh đáp:

– Đẹp lắm, “Nhật Nguyệt, tinh minh hợp chiếu hư không, cư trung Khôi, Hồng, nam tất vi tể tướng, nữ tất đắc quý nhân sủng ái”

Lại hỏi:

- Advertisement -

– Học có giỏi chăng?

Đáp:

– Thông minh gấp mười phu nhân, gấp hai ta. Vì được cả bộ Tả, Hữu, Xương, Khúc, Khôi, Việt, Đào, Hồng, Khoa, Quyền, Lộc.

Hỏi:

– Có gì xấu chăng?

Đáp:

– Ngặt vì Cơ, Nguyệt, Hỉ, cư Thiên Di, ngộ Hữu, Xương, Kị, Đà. Cơ, Xương ngộ Kị thì văn tài xuất chúng. Có Hữu, Hỷ thì may thêu đều giỏi. Song Đà, Kị thì danh không hiển được.

Mùa xuân tháng Giêng, niên hiệu Nguyên Phong thứ 7 đời Trần Thái Tông (1257) Tiên sinh cùng gia tộc 1200 người tới biên ải xin lập nghiệp tại An Nam. Thái Tông được tin báo, đón về Kinh cho tạm trú tại An ấp. Tháng 6 Thuỷ Thiên tiểu thư tiến cung, được phong Huệ Túc Phu Nhân. Khi phu nhân nhập cung thì từ tư thái, ngôn ngữ, cư xử khác phàm. Từ hoàng hậu đến cung nga, thái giám không ai mà không nể phục. Sau lễ bái kiến hoàng hậu hỏi:
– Phu nhân là người phương Bắc, mới tới đất hủ lậu này, sao đã nói được tiếng Nam, lễ nghĩa thông cả.

Phu nhân tâu:

– Thiếp thường đọc sách, thấy nàng Hoài Doanh quê ở Tần mà đức thịnh ở Tấn. Nàng Tề Khương người đất Tề mà khiến cho Tấn Văn Công thành Bá. Cha con thiếp như đàn chim gặp phong ba, thấy bóng cây lớn thì núp. Tống triều vận số không còn nữa. Mà vượng khí Nam phương đến mấy trăm năm sau mới dứt, nên tìm đến đây nương nhờ uy linh của dòng họ Đông A. Không ngờ lại được Thánh thượng dung nạp để hầu hạ, thật lấy làm hổ thẹn.

Hoàng hậu than:

– Ta quả không bằng phu nhân. Trong nội cung đây phi tần, thái giám không mấy người có học. Phu nhân thay ta dạy dỗ họ. Ta mong đức của phu nhân sẽ làm cho hậu cung thêm vượng.

Thái Tông phán:

– Phu nhân mới muời sáu tuổi mà làu thông Bách gia, Chư tử, Cửu lương, Tam giáo, không biết có lời nào dạy cho quả nhân chăng?

Phu nhân tâu:

– Thánh dạy: Nam tại ngoại, nữ tại nội. Thiếp đã được hầu bệ hạ và hoàng hậu thì xin chỉ bàn chuyện trong nhà mà thôi. Khi thiếp mới đến đất Nam đã nghe thấy chuyện huynh đệ tương tranh.

Thái Tông phán:
– Trẫm đang khổ tâm về việc đó đây. Phu nhân có cao kiến gì chăng?

– Thiếp nghe khi An Sinh Vương huynh khi lâm chung có trối lại các con rằng:

Dòng họ Đông A nhà ta trải qua ba đời, ngôi mộ tổ Ngũ đại để vào chỗ đất nóng nên phải qua ba đời Võ cách phát liên Hầu Bá, duy hiềm tử thương trận địa. Từ đời thứ tư đất nguội mới phát đế vương. Ngôi mộ có đặc điểm là xxxxx. Nhờ bà cô nhập cung làm hoàng hậu cho triều Lý nên mới có cơ đoạt quyền. Sau này xẩy ra việc thái sư Thủ Độ cưỡng bệ hạ làm chuyện lỗi đạo. Vì vậy các con của An Sinh Vương huynh phải cướp ngôi trả thù.
– 
Bệ hạ nhận ngôi trời là do phúc trạch nhiều đời để lại và công lao vào ra sinh tử của Tiên Vương, phú quý nên để anh em cùng hưởng. Thái Sư đã làm chuyện không đúng, bệ hạ phải chuộc lại. An Sinh Vương huynh có phẫn hận khi lâm chung cũng không có gì là quá đáng. Xưa kia Ngụy Võ Đế vì câu nói “ta thà phụ người, chớ không để người phụ ta” mà phải tốn không biết bao nhiêu xương máu mà cũng không quang phục nổi. Chiêu Liệt Đế vì câu nói “Ta thà chịu người phụ, chớ không nỡ phụ người” mà lấy được Tam Xuyên. Nay bệ hạ lấy đó làm gương. Xin bệ hạ hãy quên đi lời trối của An Sinh Vương huynh, mà trọng dụng các thế tử của người để chuộc lỗi lầm do Thái Sư gây ra. Mai này nếu họ làm chuyện đại nghịch thì ngôi trời cũng vẫn còn trong tay họ Đông A. Còn họ nhất tâm khuôn phò xã tắc thì đó là điều đại phúc nhà ta. Thiếp xem Tử Vi cho các thiếu niên trong Hoàng Tộc thấy họ đều là các vị anh hùng xã tắc mai sau. Sự nghiệp của Quang Khải, Quốc Tuấn mai sau rực rỡ vô cùng. Số của Quốc Tuấn là số của một vị anh hùng, là bậc thánh nhân chắc không có việc tạo phản đâu. Trong số các vị thái tử, thiếp chỉ lo có số của đệ tứ thái tử Trần Ích Tắc thông minh, nhưng sau này hình khắc lục thân, trôi nổi ….

Thái Tông nghe lời phong cho Quốc Tuấn làm Tiết Chế tổng đốc quân mã. Năm sau, tuyển con gái út của An Sinh Vương cho thái tử Quang, và phong cho làm hoàng hậu.

- Advertisement -

“Thiếp xem Tử Vi cho các thiếu niên trong Hoàng Tộc thấy họ đều là các vị anh hùng xã tắc mai sau” – Thật đáng để suy nghẫm và đừng quên khi học khoa Tử Vi.

 

II . Huệ Túc Phu Nhân cứu Đoàn Nhữ Hài

Năm Mậu Tuất (1298), tháng sáu, mùa hạ, nhằm niên hiệu Hưng Long thứ 6.
Đoàn Nhữ Hài may gặp được vua Anh Tông phong cho chức Xử Mật Viện.
Nhập cung bái yết thái hậu và hoàng hậu.

Khâm Từ thái hậu (là con gái của Hưng Đạo Vương, vợ vua Nhân Tông, là mẹ Anh Tông so vai vế là cháu gọi Huệ Túc Phu Nhân bằng bà) phán rằng:

– Ta tuy là thái hậu, nhưng trên còn có Huệ Túc Thái Hoàng Thái Phi, tiên sinh theo ta vào bái kiến người.

Hài đến cung, phu nhân đón ở lầu Tinh các (lầu nghiên cứu thiên văn). Hài sụp xuống khấu đầu, phu nhân phán:

– Sáng nay thấy thủy tiên nở mười cánh, ta bấm độn biết là có đại thần đến viếng, tiếc rằng ta đón trễ, e không đủ lễ với bậc trung lương.

Khâm Từ thái hậu tâu:

– Tâu tổ mẫu, tiểu hài nhi (chỉ vua Anh Tông) vì say rượu suýt bị tội. Được Đoàn tiên sinh đây dùng văn tài tạ tội cho mới thoát.

Phu nhân phán:

– Thủa hoàng thượng (chỉ vua Anh Tông) mới ra đời, ta tính số thấy Đồng, Lương, Tang, Mã ở Mệnh thêm Hình …ta đã biết có việc này rồi. Đồng, Lương ham chơi có thể gây ra tai họa. Nhưng là phúc tinh thì không bao giờ bị truất ngôi cả. Có Tang, Hình đắc địa thì sau này càng lớn càng nghiêm cẩn, uy nghi tài ba, thái hậu đừng lo.

Thái hậu lại tâu:

– Đoàn tiên sinh được Thái thượng Hoàng (Trần Nhân Tông) và Hưng Nhượng Vương xem số cho phê là: văn mô, vũ lược, chí cả, tâm hùng.

Lại quay lại bảo Hài:

– Này Đoàn tiên sinh, Thượng hoàng nhà ta và Hưng Nhượng Vương đều được Thái hoàng Thái Phi đây truyền dạy về Tử Vi Đẩu Số đấy.

Hài trình lên niên canh: Tuổi Kỷ Mão, tháng 9, ngày 1, giờ Mão.

Phu nhân nói:

– Cái cách của tiên sinh gọi là Nhật Nguyệt tịnh minh thì thế nào cũng phò tá đế vương. Bậc cao nhất là tể tướng. Lại có Xương, Khúc, Long, Phượng, Kị thì văn tài xuất chúng. Có Kình miếu thì vũ lược siêu quần, vì thế mà Thượng Hoàng mới phê là văn mô vũ lược, chí cả tâm hùng.

Thái hậu hỏi:

- Advertisement -

– Thần thấy tiên sinh có cách “Tam hợp minh châu, đa chiết quế”. Ngoại hợp có
Khoa, cư trung Xương, Khúc sao tiên sinh không đậu đại khoa? Không đậu đại khoa làm sao lên tới tể tướng được?
Phán:

– Số trời cả. Có bao giờ vua bị học trò túm áo đâu? Tại sao Đoàn tiên sinh lại túm áo vua? Lão Thái Sư (Thủ Độ) có đậu đạt gì đâu mà cũng là tể tướng? Sự nghiệp tiên sinh đây sau này làm tới Hầu, Bá là đàng khác. Còn tại sao tiên sinh không đậu? là vì hạn còn xấu quá. Hạn xấu thì làm sao mà đậu được. Trong khi số lại có công danh sớm, nên nay có danh mà không có khoa vậy.

Thái hậu hỏi:

– Cung Nô của tiên sinh tại Tí có Tham là Phiếm Thủy Đào Hoa, lại thêm Quyền, Tả, Hồng có gì đáng lo chăng?

Đáp:

– Tham cư Nô tại Tí thì thế nào cũng có ngày tỳ thiếp làm rối kỷ cương. Quyền, Tả chế được. Tham 3 độ, Đào 3 độ, Hồng 3 độ ở cùng chung nhau thành 27 độ xấu. Quyền 3 độ, Tả 3 độ thành 9 độ không đủ chế 27 độ xấu. Nhưng Mệnh có Xương, Khúc, Kình thì bình thường chế được mà gia cang vững. Sợ là khi hạn gặp các dâm tinh thì như giặc ngoài đột nhập, trong nhà khó giữ nổi kỷ cương. Sang năm tới đây, đại hạn tiên sinh ở Tỵ, có Cơ, Hình, Mã, Đà, Tang. Tiểu hạn tại Dậu có Riêu, Hao, Hỏa, Hư. Lưu Kình nhập Mệnh, lưu Đà nhập đại hạn. Dâm tinh quá mạnh, cung Nô phát dậy thế nào cũng vì má đào mà gây họa nguy khốn. Phải nhờ lưu Thái Tuế gặp Thái Âm thành Quyền tinh tại cung Hợi giải cho nên thoát nạn.

Hài tâu:

– Thượng Hoàng xem số bảo thần vì má đào mà bị trảm, nên xé bìa kinh Kim Cương viết cho mấy chữ: “Tứ đại giai không. Miễn tử” để khi hữu sự thì dùng đến.

Phu nhân phán:

– Thượng Hoàng cũng là Nô cung của tiên sinh đấy, tờ giấy ấy là Tả, Quyền đấy, tiên sinh đưa cho ta giữ cho.

Tháng tư niên hiệu Hưng Long thứ 7 (1299) trong nội cung khám phá ra chuyện tình giữa Hài và thứ phi Giao Châu. Triều đình nghị án trảm cả hai.

Phu nhân hay được bèn ngự tới sân rồng. Triều đình đồng bái lạy, phu nhân nói:

– Xin Hoàng thượng và triều đình cho ta góp vài lời quê mùa nên chăng?

Vua Anh Tông phán:

– Hài nhi kính cẩn xin nghe lời nghiêm huấn của Thái tổ mẫu.

Phán:

– Thái Tông nhà ta đức rộng như biển. An Sinh Vương dặn Thượng Phụ (Hưng Đạo Vương) cướp ngôi, ngài biết cả. Thế mà vẫn trọng dụng Thượng Phụ, nên họ Đông A mới làm nên đại nghiệp phá Thát đát. Nay Giao Châu bất quá 16 tuổi, Đoàn tiên sinh bất quá 21 tuổi. Tiên sinh chưa vợ. Giao Châu tiến cung đã 6 tháng không gặp thiên tử. Trai tài gái sắc họ cảm nhau là chuyện thường. Nay vì chút ít kỷ cương mà giết một công thần tài đức, làm mất đi đức bao dung của Tiên đế không? Sao bằng tác hợp cho Đoàn tiên sinh đây và Giao Châu thành phu phụ để tuyên đức bao dung của triều đình. Trọn đời họ là kẻ chịu ơn triều đình, nhất tâm khuôn phò xã tắc, quý thay.

Anh Tông nói:

– Hài nhi không chủ trương được việc này. Hình pháp đã định.

Phu nhân phán:

– Giao Châu là cung phi, thì để cho nội cung xử. Ta là phu nhân của Thái Tông, bậc cao nhất nội cung, để ta lãnh xử. Còn Đoàn tiên sinh làm Xử Mật Viện là người của họ Đông A hơn của triều đình, xin giao cho Thân Vương xử.

Vua Anh Tông và triều đình cúi đầu vâng mệnh. Giao Châu phục xuống ôm chân phu nhân mà khóc. Lệ nhà Trần là các Thân Vương về ấp ở, mỗi tháng có một vị ở triều đại diện mà thôi. Tháng tư đến lượt Trấn bắc đại tướng quân Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Hầu kính cẩn thưa:

– Thánh đức của Thái Tôn nhà ta nên giữ lấy. Thần xin tác hợp cho Đoàn tiên sinh và Giao Châu.

Triều đình nhất nhất tuân theo. Bấy giờ, phu nhân mới rút trong tay áo ra tấm bìa kinh Kim Cương có bút tích của Thái Thượng Hoàng: “Tứ đại giai không. Miễn tử” đưa ra. Anh Tông và cả triều đình tung hô vạn tuế.

- Advertisement -
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisement -
- Advertisment -

Có thể bạn thích

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY