29 C
Hanoi
Thứ Ba, 9 Tháng Bảy, 2024
spot_img
HomeTứ TrụChương 32 - Luận Chính Quan thủ vận

Chương 32 – Luận Chính Quan thủ vận

- Advertisement -

Chương 32. Luận Chính Quan thủ vận
(Bàn về việc áp dụng Chính quan cách vào vận hạn)

Nguyên văn:
Nguyên lý Chính quan cách chọn vận thì mỗi Bát tự có cách luận riêng biệt, lý lẽ rất tinh tế, phương pháp thì rất linh hoạt, chỉ có thể nói tóm lược. Bát tự mỗi người biến hóa khác nhau, không thể câu chấp được.

Từ chú thích:
Cùng là cách Quan dụng Tài sinh nhưng thủ vận bất đồng, nguyên nhân vì sao, vì bát tự ngoài dụng thần, hỉ thần, kị thần ra còn có “nhàn thần”, dụng thần hỉ kị có thể định còn nhàn thần thì vô định. Như Quan dụng Tài sinh, thì Chính Quan là Dụng thần; Tài là Hỉ thần và Thương quan là Kị thần. Mà trong bát tự vốn xen lẫn nhàn thần thì (cách cục) bất nhất; vị trí phối hợp của địa chi cũng không nhất định (chi đóng trước, chi đóng sau). Cho nên mỗi bát tự có mỗi cách luận, từ biến hóa tổ hợp thiên can và vị trí địa chi, mà xuất hiện chênh lệch phú – quý – bần – tiện. Xem ví dụ dưới đây chứng minh thì rõ.

Nguyên văn:
Như Chính quan thủ vận, tức lấy Chính quan cách làm gốc phân ra từng trường hợp để phối luận. Chính quan mà dụng Tài Ấn, thân hơi nhược thì áp dụng trợ giúp thân (tức dụng Ấn hóa Quan vượng), hành vận phải vào chổ vượng của Ấn; Quan hơi nhẹ (khinh) thì trợ Quan (tức dụng Tài sinh Quan), hành vận cũng phải ở nơi sinh Quan. Nếu Quan thấu lộ thì không thể gặp hợp, cũng không thể hỗn tạp Sát và không thể nhiều Quan. Địa chi tàng Quan gặp hình xung, thì không chỉ Quan cách mà cách cục khác cũng bất lợi.

Từ chú thích:
Thủ vận hỷ hay kị, mỗi bát tự đều bất nhất, nên dựa vào phần Luận bát cách ở chương trước áp dụng cho mỗi mệnh rồi phối hợp với hỉ kị vận, chỉ mang tính tham khảo mà thôi. Chính quan mà dụng Tài Ấn, tuy nói kiêm dụng cả hai nhưng ắt phải có chủ kiến; trường hợp Thân hơi nhược thì chọn trợ giúp cho thân, tức lấy Ấn làm chủ; Quan hơi nhược thì lấy trợ Quan, tức lấy Quan làm chủ. Nhưng Tài Ấn đều thấu thì tối hỷ vận Quan Sát, do Tài sinh Quan Sát, Quan Sát sinh Ấn, nhất khí tương thông (thông suốt một mạch), lúc này Quan Sát là sinh Ấn mà không khắc thân. Về phần Quan tinh thấu lộ ở can, gặp hợp Quan, tạp Sát, Quan trùng điệp, địa chi hình xung, đều là điều kị của Quan cách. Nếu như Quan tàng ở chi, mà địa chi hội hợp hình xung cũng kị.

Giáp Thân / Nhâm Thân / Ất Tỵ / Mậu Dần
Quý Dậu -Giáp Tuất -Ất Hợi -Bính Tí -Đinh Sửu -Mậu Dần -Kỷ Mão

Đây là mệnh Tiết tướng công đã luận ở phần Luận Chính quan (ở chương trước), nguyệt lệnh Chính quan kiêm dụng Tài Ấn, mừng giữa Tài và Ấn có Ất mộc ngăn cách làm cả hai không gây trở ngại cho nhau, nên có thể kiêm dụng. Nhưng mùa thu mộc điêu linh (tàn tạ), Quan phùng sinh gặp lộc, Tài cũng phùng sinh gặp lộc, Tài Quan cực vượng, nên mới gọi là thân hơi nhược (sảo khinh), cần phải trợ giúp thân. Dậu vận Thất sát, tiết Tài sinh Ấn là cực đẹp, Giáp vận trợ thân cũng tốt. Nếu trụ năm Giáp Thân mà đổi thành Kỷ Dậu, hành Giáp vận hợp Kiếp phá Ấn (thủy), tức không tốt. Thế mới nói do phối hợp của nhàn thần mà hỷ kị khác nhau. Tuất vận Tài vượng; nhưng mừng vì không tổn thương Ấn, nên không ngại. Vận Ất Hợi theo phương Bắc là đất Ấn thụ, nhưng đến Hợi vận gặp tứ xung khó tránh khỏi sóng gió ba đào, thế mới nói do phối hợp địa chi khác nhau mà hỉ kị cũng khác. Mậu vận Tài tinh phá Ấn, dần vận lưỡng dần xung Quan, cả hai đều không tốt, e rằng đến đây thì tận số.


Nhâm Tuất / Đinh Mùi / Mậu Thân / Ất Mão
Mậu Thân -Kỷ Dậu -Canh Tuất -Tân Hợi -Nhâm Tí -Quý Sửu

Đây là mệnh ví dụ về tạp khí Chính quan trong phần Luận Chính quan ở chương trước, tuy Tài Ấn thấu có Đinh Nhâm hợp, nhưng Tài Ấn đều mất tác dụng (xem thêm tiết Thập can phối hợp tính tình), nên luận Quan cô độc không có phụ trợ. Thêm vào đó Mão Thân tương hợp (do tàng Ất Canh ám hợp), Tuất Mùi tương hình, gốc Quan tinh bị tổn hại, đây là nhược điểm cơ bản của bát tự này. Vào vận thì nhật nguyên đang vượng, Quan tinh hơi mỏng nên cần phải trợ giúp Quan. Trước vận Canh tuất thì không có vận tốt, hai mươi năm vận Hợi Nhâm Tí Quý là vận Tài, sinh trợ Quan tinh, là lúc thỏa chí cuộc đời.

Nguyên văn :
Chính quan dụng Tài, vận hạn hỷ vào đất Ấn thụ thân vượng, tránh gặp Thực Thương. Nếu thân vượng mà Tài khinh Quan nhược, thì vẫn tốt đẹp khi hành vận Tài Quan.

Từ chú thích :
Chính quan dụng Tài, cần phải chia thân vượng thân nhược vì hai trường hợp hoàn toàn khác nhau. Thân nhược hỷ đất Ấn thụ làm thân vượng lên, kị hành vận Thực Thương; Thân vượng hỷ theo hướng vượng địa là Tài Quan, xem mệnh trên thì quá hiển nhiên.


Nguyên văn :
Chính quan bội Ấn, vận hỉ Tài hương, Thương Thực trái lại cát lành. Nếu Quan mạnh thân khinh mà còn bội Ấn (tức có kèm theo Ấn tiết Quan sinh thân), thì thân được trợ nên vượng lên, bất tất gặp Tài vận (vì Tài sinh Quan và phá Ấn).

Từ chú thích:
Chính quan bội Ấn, cũng chia hai thành Thân vượng, Thân khinh (nhược). Thân vượng Ấn trọng, vận hỷ Tài tinh làm hao tổn Ấn, hành vận Thương Thực tiết tú khí của thân mà sinh Tài, Tài chuyển mà thăng Quan, tự thành vận đắc ý; nếu Quan nhiều Thân khinh và bội Ấn, tức phải dụng Ấn sinh thân, Tài vận phá Ấn là kị, vận Thực Thương cũng không đẹp, thích hợp với vận Tỉ Kiếp Lộc Ấn.

Ất Mão / Đinh Hợi / Đinh Mùi / Canh Tuất
Bính Tuất – Ất Dậu – Giáp Thân – Quý Mùi – Nhâm Ngọ – Tân Tỵ

Quan hóa thành Ấn mà thấu Tài, đây là mệnh Kim Trạng nguyên đã nói đến ở chương Chính Quan. Hợi Mão Mùi tam hợp mộc cục, cho nên Quan (nguyệt lệnh Hợi thủy) hóa thành Ấn (mộc), Ất mộc lộ ra, thân vượng Ấn trọng. Dụng Tài để tổn Ấn, trụ giờ gặp Canh Tuất là Tài tinh hữu căn (Canh thông gốc tại Tuất do Tuất tàng Mậu Tân Đinh). Ban đầu hành vận hướng Tây Thân Dậu là Tài địa, Giáp không thông căn mất gốc, Ất tòng theo Canh để hóa, cho nên tự thành vận tốt đẹp như ý. Sau là vận Quý Mùi, vận chuyển sang phương Nam, nhật nguyên quá vượng, Nhâm Quý là Quan Sát tiết Tài sinh Ấn, cũng không được như ý. Đây là cái mà gọi là “Thân vượng bội Ấn, hỉ Thực Thương Tài hương”.

Nguyên văn:
Chính quan cách kèm Thương Thực mà dụng Ấn để chế, vận hỷ đất Quan vượng Ấn vượng, tránh gặp Tài vận. Nếu Ấn thụ trùng điệp xuất lộ, thì gặp Tài vận vô hại.

Từ chú thích:
Chính Quan cách có kèm Thương Thực mà dụng Ấn, cần phải phân ra hai loại Ấn trọng, Ấn khinh. Nếu Thương Quan trọng Ấn thụ khinh, hỷ hành Ấn địa, do Quan vượng cho nên sinh Ấn thành ra tốt đẹp, còn nếu gặp Tài vận phá Ấn là điều tối kị. Trái lại, nếu Ấn thụ trùng điệp sinh thân, dụng Thực Thương tiết khí nhật nguyên thì Tài vận trái lại thành tốt, vì Thực Thương hỉ hành Tài địa, hơn nữa dùng nó để hao tổn Ấn (giống như Tiết hóa Quan vi Ấn ở trên).

Kỷ Mão / Tân Mùi / Nhâm Dần / Tân Hợi
Canh Ngọ – Kỷ Tỵ – Mậu Thìn – Đinh Mão – Bính Dần – Ất Sửu

Đây là mệnh Tuyên Tham Quốc đã nói ở phần Chính quan. Hợi Mão Mùi tam hợp mộc cục, Quan hóa thành Thương, nhật nguyên đóng ở Dần mộc, Dần Hợi lại hợp để hóa mộc, Thương Quan trùng trùng. Nhật nguyên tiết khí quá mức, lấy Tân Ấn chế Thương trợ thân làm dụng. Hai mươi năm Kỷ Tỵ, Mậu Thìn là đất Quan Sát vượng sinh cho Tân Ấn, nên tự là vận tốt; sau vừa nhập vận Đinh, Tài tinh phá Ấn, không thể dùng được rồi.

Nguyên văn :
Chính quan đới Sát, gặp Thương Thực cũng không ngại. Mệnh Chính quan đới Sát thường dụng Kiếp hợp Sát thì có thể hành Tài vận, Thương Thực, hay thân vượng, Ấn thụ cũng được, chỉ ngại thấu lộ nhiều Thất Sát. Nếu mệnh dụng Thương Quan hợp Sát, thì Thương Thực cùng Tài đều khả thi, duy chỉ có điều không nên gặp Ấn.

Từ chú thích:
Đoạn này cần thông hiểu ý tứ, không nên câu nệ câu chữ. Thông thường hành vận hỉ kị cần xem xét phối hợp tứ trụ, nên cũng không có lý lẽ cố định. Dụng Quan vốn kị Thương Quan, mà đới Sát thì lại không kị, vì có thể dùng nó chế hóa Sát.Hợp Sát có hai trường hợp: Dương can hợp Sát dụng Kiếp, Âm can hợp Sát dụng Thương. Dụng Kiếp hợp Sát, kị nhất lại hành Sát vận. Bởi thế, Tài Thực Thương Ấn đều khả thi, đều có cái lý sử dụng. Thân vượng vốn không cần Ấn, mà dụng Kiếp hợp Sát, Sát chưa hợp mất, cho dù thân vượng, rốt cuộc thành ra thấy cả Quan lẫn Sát. Nên dụng Ấn hóa Sát cũng có cái lý để sử dụng. Trường hợp lại thấy thêm một Thất sát làm hỗn tạp cách cục, thì bất luận tứ trụ phối hợp ra sao nhất định không có lý thích hợp; dụng Thương hợp Sát cũng tương tự như vậy. Thương Thực cùng Tài, sau khi thỏa điều kiện phối hợp thích hợp, đều có thể sử dụng. Duy trường hợp Kiêu Ấn khắc khử Thương Quan, đó là phá mất cái thế Thương quan đang hợp Sát thì nhất định không thể được.

Canh Dần / Ất Dậu / Giáp Tí / Mậu Thìn
Bính Tuất -Đinh Hợi -Mậu Tí -Kỷ Sửu -Canh Dần -Tân Mão

Đây là mệnh Lý Tham chính ở phần Luận Chính quan. Ất Canh hợp Sát lưu Quan (Tân tàng trong nguyệt lệnh Dậu), Bính Tuất Đinh -Thực Thương vận, Hợi Tí Sửu -Ấn vận, Mậu Kỷ -Tài vận, đều khả thi. Riêng Canh vận là gặp thêm Thất Sát hỗn cục, nhất định không phù hợp.

Đinh Sửu / Nhâm Dần / Kỷ Tỵ / Bính Dần
Tân Sửu -Canh Tí -Kỷ Hợi -Mậu Tuất -Đinh Dậu -Bính Thân

Quan cách dụng Ấn vốn kị gặp Tài, mệnh này Đinh Nhâm tương hợp, Tài hóa thành Quan, kị thần biến thành hỷ thần, cách cục cũng vì hợp mà thanh thuần, nên thành cách đại quý. Kim trong Tỵ Sửu, tàng mà không thấu, khí chất lại hưu tù, vốn không cần nói đến, nhưng thừa dịp gặp vận Canh Tân dẫn xuất kim là điều không nên, mừng là nguyên cục có Bính hỏa hồi khắc, cũng là Ấn có khả năng hộ Quan. Dụng Ấn không nên gặp Tài, nên Tí Hợi vận không lợi, mừng là đóng ở địa chi không tổn thương Bính hỏa mà sinh Quan tinh, đang bất lợi trở thành cát lợi. Kỷ Mậu Đinh giúp thân trợ Ấn đều là cát vận; đến vận Dậu tam hợp hội tề thương khắc Quan tinh, trở thành bất lợi. Bính vận tốt nhất. Đây là mệnh quan Thái phó họ Phạm ở phần Chính quan.

Nguyên văn:
Trên đây đều là lời nói sơ lược, mỗi bát tự có mỗi cách luận khác nhau. Mỗi bát tự lại có thể gặp một chữ trong vận khác nhau, khi nghiên cứu tùy thời theo đó mà tuyển dụng thần, không thể dùng lời viết so cho đủ được. Thông thường các cách đều như thế, không riêng gì cách Chính quan.

Từ chú thích:
Hỷ hay kị của vận tùy theo bát tự phối hợp nên không có phép nhất định. Như hai mệnh trên, hai Canh hợp một Ất là Sát hỗn cục, mà mệnh họ Phạm gặp Đinh vận, lưỡng Đinh hợp Nhâm là vô ngại, bởi thế Sát khắc thân, Thiên Ấn giúp thân là hai vấn đề khác nhau. Nếu ngộ Nhâm vận, lưỡng Nhâm hợp Đinh, tức không thể được do Tài phá Bính Ấn thành Kị thần. Tùy theo cách cục mà biến hóa cho phù hợp, làm được như thế là thấu hiểu vậy.
(Hết chương 32)

Tử Vi Việt Nam Sưu  Tầm – Theo Tử  Bình Diệu Dụng
- Advertisement -
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisement -
- Advertisment -

Có thể bạn thích

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY