Bàn về việc khi nào dùng, khi nào bỏ không dùng Ngoại Cách
Nguyên văn:
Dụng thần của bát tự đã chú trọng tìm ở nguyệt lệnh, vậy tại sao còn có ngoại cách nữa? Có Ngoại cách là do nguyệt lệnh vô dụng, phải tùy cơ ứng biến mà dùng nên gọi là ngoại cách.
Từ chú thích:
bài này bàn luận tựa hồ chưa rõ ràng, do sách vở lấy nguyệt lệnh là kinh, Dụng thần làm vĩ. Dụng thần là yếu tố then chốt của toàn cục. Thần khí nguyệt lệnh không có khả năng làm đầu mối trọng yếu ảnh hưởng đến toàn cục của tứ trụ thì phải từ đó chọn ra một can chi riêng để dùng. Dụng thần tuy chọn riêng nhưng trọng tâm của nó lại ở nguyệt lệnh, như mộc sinh tháng mùa đông, thủy vượng mộc trôi, chọn Tài thì tổn Ấn nên phải dùng hỏa để điều hậu, chính là bởi nguyệt lệnh tuy thủy vượng nhưng lại rét buốt; mộc sinh tháng thu, kim quá cứng nên mộc bị sứt mẻ, chọn hỏa chế kim hoặc chọn thủy để hóa kim, chính là do nguyệt lệnh khí kim quá vượng. Những trường hợp này đều không có tên gọi riêng. Ngoại cách, chính là trường hợp riêng của chính cách, khí thế vượt thắng nên không thể lấy thường lý để chọn dụng thần, ở vào ngoại lệ của “con đường đúng”, cho nên mới gọi là ngoại cách.
Nguyên văn: như mộc mùa xuân, thủy mùa đông hay thủy sinh vào tháng tứ quý, khi cùng ngày cùng tháng thì khó mà thấy tác dụng, đều có thể rơi vào loại tượng, hình tượng, xung tài, hội lộc, hình hợp, hay các cách Diêu nghênh (hay Dao Tỵ ? ), Tỉnh lan, Triều dương…, tất cả đều có thể. Nếu nguyệt lệnh tự có Dụng thần, có nên đi tìm ngoại cách? Lại có người mộc sinh mùa xuân, thủy sinh mùa đông, can thấu bên trên có cả Tài Quan Thất Sát, mà bỏ đi để theo ngoại cách, cũng quá sai lầm. Đó là lý do can thấu có Tài, dụng gì để xung Tài? can thấu Quan, dùng gì để hợp lộc? Thư nói rằng: “Đề cương hữu dụng đề cương trọng “, mà cũng nói “Hữu Quan mạc tầm cách cục”, chính là một lời nói bất di bất dịch.
Từ chú thích: Xuân mộc đông thủy chính là Dương Nhận kiến Lộc, cần biết rằng Nhận Lộc tuy không thể làm dụng, nhưng quan hệ với Dụng thần lại ở nguyệt lệnh. Như Sát Nhận cách, chọn Quan Sát chế Nhận, đó là dụng tại Quan Sát; kiến Lộc Thân vượng, lấy thần tiết tú thành tốt đẹp, đó là dụng tại Thực Thương. Thổ sinh tứ quý, dụng mộc làm tơi thổ, hoặc dụng kim tiết tú, đó là dụng tại mộc kim. Các loại này đều chẳng phải ngoại cách. Cần khí tượng tứ trụ thiên hướng về một phương, như xuân mộc mà chi liên kết thành Dần Mão Thìn, hoặc Hợi Mão Mùi, tứ trụ không thể phù ức. Ngày và tháng giống nhau thì tòng Cường, tòng Vượng; ngày tháng không giống mà nhật nguyên lâm Tuyệt, thì tòng Quan Sát, tòng Tài, tòng Thực Thương. Hoặc Nhật can hóa hợp thì thành hóa khí, như loại tượng thuộc về một loại hình thì mới thành ngoại cách. Ngoại cách tuy rất quy cách, nền nếp nhưng bản thân cũng có một ý nghĩa là không rời xa chính lý ngũ hành thì mới được. Nếu gặp các cách đảo xung, hình hợp, Diêu nghênh, Triều dương, lý ngũ hành chưa thông thì cũng không đủ tin tưởng (Tỉnh Lan tức Thực Thương cách). Còn khi nguyệt lệnh có Dụng thần, Tứ trụ được phù ức, sao lại bỏ cái riêng mà chọn cái lẽ chung? “Đề cương hữu dụng đề cương trọng” là lời nói luận Dụng thần phải để ý đến sự quan trọng của nguyệt lệnh; còn “Hữu Quan mạc tầm cách cục” là ý nói tứ trụ có đủ phù ức, không nhất thiết phải tìm cách cục riêng biệt (không nên câu chấp đến chữ Quan trong câu phú). Đây chính là khuôn phép bất di bất dịch để chọn đúng Dụng thần.
Nguyên văn: song, cái gọi là “nguyệt lệnh vô dụng” vốn là nguyệt lệnh không có Dụng thần, người nay không hiểu thường gán cho các loại như Tài bị Kiếp đoạt, Quan bị Thương hủy hoại,… Dụng thần đã bị phá thì cũng coi như nguyệt lệnh không tuyển được Dụng thần, liền bỏ đi để theo ngoại cách là sai lầm của sai lầm vậy.
Từ chú thích: câu “Tài bị Kiếp, Quan bị Thương” là nay xem không có thần khí cứu ứng, mà vô cứu ứng tức phá cách (xem tiết: thành bại cứu ứng). Bản lai Bát tự tốt thì ít, xấu thì nhiều, người phú quý ít ỏi, người bần tiện đầy rẫy, và cũng thế, người thành công thì ít mà người thất bại thì nhiều. Tiếc là người đem mệnh để phán đoán, trong tâm ôm ấp hoài bảo chưa thực hiện được hy vọng sẽ đến trong tương lai, nhưng lại hỏi việc xấu mà không hỏi việc tốt, chẳng qua là lời đầu môi chót lưỡi, nên nếu nghe nói Tài bị Kiếp, Quan bị Thương thì họ lại không bịt lỗ tai mà chạy ư? Thế là thuật sĩ hành nghề liền đoán ý hùa theo tâm lý thân chủ, thường giải đoán mà không bàn Dụng thần, chỉ chú trọng lấy Thần sát, cách cục, nạp âm ra để nói qua quýt. Sai lầm này đã tồn tại lâu rồi, người nói chuyện Mệnh lý cần nhận thức được điều này.