18 C
Hanoi
Thứ Ba, 19 Tháng Ba, 2024
spot_img
HomeTứ TrụLuận dụng thần

Luận dụng thần

- Advertisement -

Tác giả: Hoàng Đại Lục

(Tuvivietnam – siêu tầm)

Dụng thần là gì? Học giả mệnh lý hiện đại hầu như đều nhất chí cho rằng: Dụng thần tức là mấu chốt của bát tự, là một hai loại ngũ hành co thể gây nên những tác dụng phù ức, điều hậu, thông quan trong bát tự. Hoặc có thể nói, dụng thần chính là “thần” có thể làm cân bằng ngũ hành bát tự, có ích với nhật chủ, nói gọn là dụng thần cân bằng.

Lật giở các thư tịch mệnh lý hiện đại, chúng ta sẽ phát hiện đa số tác giả đều dùng phần lớn số trang sách để luận thuật tác dụng quan trọng của dụng thần và cả phương pháp lựa chọn dụng thần. Các vị ấy còn cho rằng dụng thần không thể bị tổn thương được, dụng thần mà có lực thì mệnh chủ sẽ cát, dụng thần bị thương thì mệnh chủ sẽ hung, do đó điều cơ bản nhất, quan kiện nhất, khó khăn nhất khi xem mệnh chính là tìm đúng dụng thần. Ví dụ như cuốn “Tứ trụ bác quan” do hai vị tiên sinh Lăng Chí Hiên và Trương Chí Xuân biên soạn, trong đoạn “Tường luận dụng thần” có nói: “Hạch tâm trung khu của tứ trụ mệnh lý học là ở tìm dụng thần, muốn biết sự gập ghềnh khúc khuỷu của đường đời nhân sinh, toàn phải nhờ vào dụng thần làm tọa độ để miêu tả. Tìm không ra tọa độ dụng thần, hoặc tìm sai tọa độ dụng thần sẽ thành ” Một chữ sai, toàn bàn sai hết”. Có thể nói quan điểm về dụng thần của cuốn này đã đại biểu cho mệnh lý hiện hành.

Thế nhưng, muốn tìm đúng cái dụng thần cân bằng này lại là một chuyện khó khăn dị thường. Bởi vì tiền đề của tìm dụng thần đầu tiên là phải nắm bắt chuẩn xác trình độ vượng suy cường nhược của ngũ hành trong bát tự. Mà sự vượng suy cường nhược của ngũ hành trong bát tự lại tùy theo sự giới nhập của tuế vận mà biến hóa không ngừng, muốn cân đo đong đếm nó khác nào đi cân đo đong đếm con khỉ có bảy mươi hai phép thần thông biến hóa! Cho nên thường ba vị mệnh sư phân tích cùng một bát tự sẽ đưa ra hơn ba kiểu vượng suy kết luận. Thế thì cũng như không có kết luận! Lăng Chí Hiên tiên sinh cũng vì thế mà vô cùng đau đầu, ông nói trong cuốn “Tứ trụ bác quan” rằng: “Cho dù là cao thủ mệnh lý đi nữa, khi họ đối diện với một số mệnh tạo có cách cục đặc thù hoặc sự cường nhược không rõ ràng thì cũng cảm thấy bó tay… Người viết cũng từng gặp qua những trường hợp kiểu này, tụ tập bảy tám vị dịch hữu cùng thảo luận, kết quả là mỗi người nói mỗi phách, chẳng ai chịu nhường ai, ai cũng phô ra một kiểu lý luận của riêng mình, cãi lý cả một ngày cũng không giải quyết được vấn đề. Thế đấy, có phải muốn phán đoán chính xác trình độ vượng suy cường nhược của ngũ hành bát tự còn khó hơn Phật Bà phán đoán Tề Thiên thật và Tề Thiên giả không nhỉ?

Nói cách khác, cho dù có ai vào một ngày nào đó dùng tuyệt kỹ tìm dùng thần này mà xem mệnh thì tỷ lệ chuẩn xác chưa chắc đã cao. Tại sao vậy? Đầu tiên, các cách như nhất khí chuyên vượng cách, tòng cường cách, tòng Sát cách, tòng Tài cách, tỉnh lan xoa cách, v.v… vốn không cần đến sự cân bằng ngũ hành của bát tự, cái gọi là dụng thần cân bằng không có chỗ dùng trong các loại cách này. Kế tới, cho dù là mệnh cách thông thường cần ngũ hành cân bằng, chỉ cần bát tự kết cấu không thỏa đáng, phá hoại mất cách cục thì cho dù thân cường Tài vượng hay thân Sát lưỡng đình đi chăng nữa mà dùng dụng thần cân bằng cũng khó đoán chuẩn cát hung họa phúc của người ta. Cho dù là danh sư nhiều năm nghiên cứu mệnh lý cũng không ngoại lệ. Tác giả bộ “Bát tự chân quyết khởi thị lục” là Tống Anh Thành tiên sinh trong bài “Nghiên cứu hỷ dụng thần” đã cảm khái nói: “Tác dụng của dụng thần đôi khi làm người ta cảm thấy khó hiểu, đi đến vận trình của hỷ dụng thần, chẳng những không thăng quan phát tài mà còn bị hao tổn trầm trọng, cơ hàn đói rách, có phải là hỷ dụng thần mà chúng ta chọn khác hẳn với hỷ dụng thần chân chính? Nghĩ tới đây hèn gì có người nghiên cứu hết bao nhiêu kinh thư cổ tịch mà vẫn không thể đột phá.”

Nghe câu trên mà thấy rầu! Trải qua chín chín tám mươi mốt tai nạn mới lấy được chân kinh, ấy thế mà “nghiên cứu hết kinh thư cổ tịch mà vẫn không thể đột phá”! Cố gắng hết sức mới chọn được dụng thần mà không xài được!

Để tìm đột phá khẩu, giải cứu dụng thần cân bằng ra khỏi tình huống khó xử, có học giả bèn không thèm chấp vào cách chỉ chọn một dụng thần nữa, mà chọn mấy loại dụng thần từ trong một mệnh, nào là đại dụng thần, tiểu dụng thần, hoặc dụng thần thứ nhất, dụng thần thứ hai, dụng thần thứ ba, hoặc dụng thần cân bằng, dụng thần điều hậu, dụng thần cách cục v.v…, muốn đem càng nhiều dụng thần hơn nữa vô để bịt những lỗ hổng xuất hiện liên tục trong khi dự đoán. Dùng dụng thần cân bằng không thể xử được, bèn dùng dụng thần điều hậu và dụng thần cách cục để xử lý. Ví dụ như nhà mệnh lý học trứ danh là Lương Tương Nhuận tiền bối trong cuốn “Tế phê chung thân tường giải” đã dùng nhiều loại dụng thần để phê mệnh. Ông đã dùng dụng thần điều hậu của Dư Xuân Đài, lại còn dùng dụng thần cách cục của Thẩm Hiếu Chiêm (nhưng không chuẩn), hãy còn dùng dụng thần cân bằng của “Kim Bất Hoán” (thực ra cũng không phải nốt), kết hợp thêm với cả tứ giác hình xung hợp hội, thần sát, nạp âm, v.v… hổ lốn các phương pháp, thậm chí còn bao gồm cả những ngón vụn vặt xác suất trúng cực thấp như “Diễn cầm phu thê – tử nữ biểu”.

Cái kiểu dùng nhiều loại dụng thần để xem mệnh này tuy có thể cầm cự được khiếm khuyết do chỉ dùng một dụng thần gây ra, nhưng phương pháp này tự thân nó lại không thể giải quyết được vấn đề mới nảy sinh như sau:

1. Dụng thần đã là mấu chốt của bát tự, thế thì, tổn hại dụng thần có ý nghĩa phá vỡ sự cân bằng ngũ hành trong bát tự, từ đó khiến mệnh chủ gặp tai nạn, đây là quan điểm được tuyệt đại đa số các học giả mệnh lý đồng ý. Nếu sử dụng nhiều dụng thần để đoán mệnh sẽ đồng thời xuất hiện nhiều điểm cân bằng, nhiều điểm mấu chốt. Vấn đề là, nhiều điểm cân bằng ấy có phải quan trọng như nhau không? Giả thiết câu trả lời là khẳng định, thế thì mỗi khi tuế vận phá vỡ bất cứ một điểm cân bằng nào trong đó, cả mệnh cục sẽ mất cân bằng, thế thì các điểm cân bằng còn lại có còn được gọi là điểm cân bằng nữa không? Còn tính là mấu chốt của bát tự nữa chăng?

2. Nếu như quyền lợi của nhiều dụng thần không đồng đẳng, thì cũng như Thị trưởng, Phó Thị trưởng và Trợ lý Thị trưởng vậy, quyền lợi to nhỏ khác hẳn nhau, thế thì, quyền lợi của loại dụng thần nào mới là to nhất? Lương Tương Nhuận tiên sinh cho rằng: “Điều hậu chi dụng, vi bát tự đệ nhất yếu nghĩa”. Ông cho rằng dụng thần điều hậu là quan trọng bậc nhất. Thế mà trong “Kim Điếu Thùng” thì nói: “Nếu nhập cách thì lấy quí mà đoán, phá cục thì lấy bần mà đoán, nếu như cách (và) cục bị thương tổn phá hoại sẽ không cát, dù cho có cơ hội hồi thiên chuyển trục thì cũng không thể kiến công lập nghiệp được.” Kim Điếu Thùng (Durobi chú thích: Danh gia mệnh lý thời xưa, có viết quyển Lão Kim Điếu Thùng) đem thành cách phá cách xem là tối quan trọng. Thường các mệnh lý học giả cho rằng cân bằng ngũ hành trong bát tự là điều tối quan trọng, và cho điều hậu dụng thần chỉ sử dụng trong trường hợp đặc biệt,, còn cách cục thì lờ luôn, luận cũng được không luận cũng được. Trước ba cách nói như trên, kẻ hậu học biết nghe ai đây nhỉ?

3. Mỗi khi nhiều loại dụng thần xảy ra giao tranh trên cùng một mệnh cục thì phải xử lý thế nào? Ví dụ ngày Canh kim sinh tháng Ngọ, là Chính Quan cách, nếu muốn thủy điều hậu, thủy là Thực Thương, chẳng phải đã phá Chính Quan cách hay sao? Lại ví dụ Tỉnh Lan Xoa cách, ba ngày Canh Tí Canh Thìn Canh Thân, sinh vào tháng Tí, địa chi Thân Tí Thìn toàn đủ, theo lý thuyết phải dùng hỏa để điều hậu, kim thủy Thương Quan hỷ kiến Quan mà, nhưng cách này lại yêu cầu không được gặp hỏa, ca quyết nói: ” Tỵ Ngọ Mùi lâm thì đắng cay, Nhâm Quí phá, Bính Đinh xung, trụ và vận không gặp sẽ hiển danh”. Câu này ý gặp Tỵ Ngọ Bính Đinh hỏa thì phá cách. Điều hậu dụng thần không hề được hoan nghênh ở đây. Lúc này điều hậu dụng thần có còn là dụng thần nữa không? Nếu bị thương khắc, mệnh chủ sẽ gặp tai hay không? Còn nữa, lúc dụng thần cân bằng và dụng thần cách cục phát sinh giao chiến thì phải hy sinh ai đây? Những vấn đề này đều là những nút thắt cứng của những ai theo thuyết dùng nhiều dụng thần, không ai thể gỡ được, kể cả chính họ.

Một dụng thần không được, nhiều dụng thần cũng không xong, phải làm sao bây giờ? Có người chủ trương phương pháp sau tiết Đông Chí thì đổi trụ năm, có người đề xướng đại vận không phân biệt nam nữ đều thuận hành, Lữ Văn Nghệ tiên sinh ở Sơn Đông kiên quyết chủ trương phế trừ cổ pháp, thứ nhất không bàn vượng suy, thứ hai không bàn cách cục, thứ ba không bàn dụng thần, thứ tư không bàn thần sát, chỉ dùng chiêu sinh khắc “Lữ thị bát tự mệnh lý” là xong. Nhưng, chẳng lẽ môn đoán mệnh của Từ Tử Bình thật vô dụng vậy sao? Các vị toán mệnh tiên sinh từ xưa tới giờ đều không có công phu thực sự hay sao? Hay là chúng ta đã nhầm lẫn điểm quan trọng nào đó? Như Tống Anh Thành tiên sinh nói: “Có phải chăng hỷ dụng thần mà chúng ta đã dùng khác hẳn với hỷ dụng thần thực sự?”

Vâng, chính xác là như vậy! Người viết sau khi nghiên cứu nghiêm túc, phát hiện hỷ dụng thần của hiện đại mệnh lý và hỷ dụng thần của mệnh lý cổ điển là hai thứ hoàn toàn khác nhau! Có ba chứng cứ như sau:

Thứ nhất, trong ba bộ mệnh lý cổ điển “Uyên Hải Tử Bình”, “Tam Mệnh Thông Hội” và “Thần Phong Thông Khảo”, không hề tìm thấy cái mà hiện đại mệnh lý gọi là dụng thần! Lật bất cứ sách mệnh lý hiện hành nào chúng ta cũng có thể thấy những chương tiết chuyên luận thuật về dụng thần, từ khái niệm về dụng thần phương pháp chọn dụng thần đều được giới thiệu kỹ càng. Nhưng trong các mệnh lý kinh điển như “Uyên Hải Tử Bình” v.v… lại không thấy bất cứ chương tiết nào chuyên luận thuật về dụng thần, cho dù là một đoạn ngắn cũng không có! Những loại “dụng thần” có tác dụng phù ức, điều hậu, thông quan không hề tìm thấy bất cứ chứng cứ nào trong ba quyển sách mệnh lý cổ này. Trời ạ, dụng thần là thứ quan trọng không thể thiếu được như thế, vậy mà cổ nhân lại không hề có một chuyên đề nào để giới thiệu, có phải là rất kỳ quặc không nhỉ? Đối với mệnh lý hiện hành mà nói, đoán mệnh mà không nhắc tới dụng thần thì chỉ là một kẻ a ma tơ. Thế nhưng tổ tông môn Tử Bình của chúng ta là Từ Tử Bình trong cuốn “Uyên Hải Tử Bình” sao không thấy nhắc tới vấn đề dụng thần vô cùng quan trọng này? Dù có kiệm lời tới đâu thì ít ra cũng để lại một đoạn ngắn chứ? Tiếc rằng chúng ta tìm nát trong mấy cuốn sách mệnh lý cổ kia mà vẫn không thấy! Cái mà chúng ta thấy là cổ nhân dùng đến một phần ba cuốn sách để nói đến cách cục, chuyện này thì sách mệnh lý hiện hành không hề có. Điều này chứng tỏ cái gì? Chứng tỏ rằng chỉ có một khả năng, đó chính là trong sách mệnh lý cổ điển căn bản là không hề có loại dụng thần cân bằng ngũ hành bát tự, nếu như có dụng thần thì e rằng dụng thần chính là cách cục.

- Advertisement -

Thứ hai, dụng thần của mệnh lý lưu hành hiện đại và dụng thần trong sách mệnh lý cổ điển, đặc trưng của cả hai hoàn toàn không phù hợp nhau. Chủ yếu biểu hiện trong ba mặt sau:

1. Dụng thần của mệnh lý hiện hành đặc trưng chính yếu ở chỗ tính bất khả tổn hại của nó. Dùng lời của Chung Nghĩa Minh tiên sinh trong cuốn “Bát Tự Khí Số Mệnh Lý Học” rằng: “Dụng thần là linh hồn của bát tự”, “Nên dụng thần không thể bị thương tổn đến, không bị khắc hại hình xung v.v…”. Thế nhưng cổ nhân trong “Tứ Ngôn Độc Bộ” lại chỉ ra rằng: “Cách cách thôi tường, dĩ Sát vi trọng, chế Sát vi quyền, hà sầu tổn dụng”. Ý của “Hà sầu tổn dụng” chẳng phải là không sợ tổn hại đến dụng thần hay sao? Trong “Nguyệt Đàm Phú” cũng nói: ” Cách hữu khả thủ bất khả thủ, dụng hữu đương khí bất đương khí”. Nói rõ có lúc cần đến là có thể vứt luôn dụng thần.

2. Dụng thần của mệnh lý hiện hành, đặc trưng thứ yếu của nó là tính thiểu lượng. Nghĩa là dụng thần đã là điểm cân bằng ngũ hành bát tự thì dụng thần sẽ không thể là ngũ hành chiếm số lượng nhiều, bởi vì tổng cộng chỉ có tám chữ, số lượng nhiều lên sẽ phá vỡ cân bằng mà trở thành bệnh trong mệnh cục, cho nên dụng thần thường chỉ chiếm một hai chữ trong mệnh cục, không thể nhiều hơn. Cũng bởi vì phân lượng dụng thần ít cho nên mới sợ bị tổn hại! Thế mà nguyên chú của chương Thể dụng trong “Tích Thiên Tủy” nói: “Nhị tam tứ ngũ dụng thần giả, đích phi diệu tạo”. Có nghĩa một bát tự mà có ba bốn năm dụng thần thì không phải mệnh tốt. “Cùng Thông Bảo Giám – Tam xuân Giáp mộc luận” nói: “Phàm dụng thần quá nhiều, không nên khắc chế, tiết đi mới hay”. Câu này chúng ta còn có thể tìm thấy trong “Tam Mệnh Thông Hội”. Vậy đấy, dụng thần trong sách mệnh lý cổ điển hóa ra còn có lúc đạt đến bốn năm cái, mà còn tiết đi mới tốt nữa!

3. Dụng thần trong mệnh lý hiện hành đặc tính thông thường của nó là tính chỉ có ích mà không có hại. Mệnh lý hiện hành cho rằng bất kể là Tài Quan Ấn Thực hay là Sát Thương Kiêu Nhận, chỉ cần khi được chọn làm dụng thần thì chỉ có ích mà không có hại, giữa chúng không có phân biệt thiện và ác, đã là dụng thần thì không thể bị khắc. Nhưng, dụng thần của cổ nhân không như thế. Chương Luận dụng thần trong “Tử Bình Chân Thuyên” viết: “Tài Quan Ấn Thực, thử dụng thần chi thiện, nhi thuận dụng chi giả dã. Sát Thương Kiêu Nhận, thử dụng thần chi bất thiện, nhi nghịch dụng chi giả dã”. Có nghĩa là Tài Quan Ấn Thực là bốn dụng thần thiện, phải bảo hộ nó mà sử dụng. Mà Sát Thương Kiêu Nhận là bốn dụng thần ác, phải chế ước nó mà sử dụng. Đấy, loại dụng thần như vầy thì mệnh lý hiện hành chắc là không có nhỉ!

Thứ ba, cách dùng của dụng thần trong mệnh lý hiện hành và dụng thần trong sách mệnh lý cổ điển không giống nhau. Mệnh lý hiện hành cho rằng sự vượng suy cường nhược và bị khắc hay không của dụng thần vừa quyết định sự phú quí bần tiện của mệnh chủ và cũng chủ tể cát hung họa phúc của mệnh chủ, tác dụng của nó không có thứ nào khác có thể so sánh được. Nhưng chương Luận tướng thần khẩn yếu trong cuốn “Tử Bình Chân Thuyên” lại chỉ rõ: “Thương dụng thậm ư thương thân, thương tướng thậm ư thương dụng”. Ý là thương hại đến dụng thần còn gay go hơn thương hại đến nhật nguyên, mà thương hại đến tướng thần còn gay go hơn thương hại đến dụng thần. Có thể thấy còn có tướng thần quan trọng hơn cả dụng thần. “Ngũ Ngôn Độc Bộ” lại nói: “Có Sát chỉ luận Sát, không có Sát mới luận dụng thần”. Ý gì nhỉ? Có Thất Sát chẳng lẽ có thể không cần luận dụng thần hay sao? Câu này mệnh lý hiện hành không giải thích nổi. Trong “Bảo Pháp – Quyển nhị” cũng nói: ” Phàm thuật xem Tử Bình, thủ cách bất định, thì xem mười sai đến chín”. Chú ý nhé, ở đây nói “Thủ cách bất định” chứ không nói “Thủ dụng bất chuẩn” nhé! Có phải cổ nhân thủ cách (chọn cách cục) rõ là hiệu nghiệm hơn chúng ta ngày nay chọn dụng thần không? Thiên mở đầu của “Tinh Vi Thiên” nói: “Phàm khán nhân mệnh, chuyên luận cách cục. Phùng Quan khán Tài, kiến Tài nhi phú quí. Phùng Sát khán Ấn, hữu Ấn dĩ vinh hoa”. Ở đây chỉ cường điệu “Chuyên luận cách cục” chứ không phải chuyên luận dụng thần nhé! Mà còn nói thẳng gặp Quan xem Tài, gặp Ấn xem Quan, không như mệnh lý hiện hành ngày nay trước hết phải xem thân vượng thân nhược, thân vượng thì dụng Tài Quan, thân nhược thì dụng Ấn Tỷ. Tại sao cổ nhân không chú trọng đến tiền đề quan trọng là xem thân vượng thân nhược vậy? Tại sao không nói “Phàm thuật xem Tử Bình, thủ dụng bất chuẩn (xác), xem mười sai hết chín”? Nguyên nhân thì chỉ có một thôi, đó chính là dụng thần mà cổ nhân nói tới khác xa lắc xa lơ với dụng thần mà ngày nay chúng ta nói!

Dông dài hồi lâu, chắc độc giả cũng muốn hỏi thế dụng thần trong sách mệnh lý cổ điển là gì thế?

Kỳ thực, định nghĩa dụng thần của cổ nhân rất đơn giản, tức: Dụng thần chính là vật khả dụng của nguyệt lệnh. Hai chữ “khả dụng” này có hai tầng ý nghĩa, một là có những thứ gì có thể dùng? Hai là dùng vào việc gì?

Nguyệt lệnh có những thứ gì có thể dùng? Có sáu thứ có thể dùng, tức: Tài, Quan, Ấn, Sát, Thực, Thương. Dùng vào việc gì? Dùng để cấu thành CÁCH CỤC. Tức là, dụng thần mà cổ nhân nói tới, kỳ thực chính là VẬT mà nguyệt lệnh dùng đến để cấu thành cách cục.

“Tử Bình Chân Thuyên – Luận dụng thần” nói rằng: “Bát tự dụng thần, chuyên cầu nguyệt lệnh. Dĩ nhật can phối nguyệt lệnh địa chi, nhi sinh khắc bất đồng, cách cục phân yên”. “Thần Phong Thông Khảo – Thủ cách chỉ quyết ca đoán” nói rằng: “Dĩ nhật vi chủ bản, nhi thủ đề cương vi dụng. Thứ cập niên nguyệt nhật vi thực, phùng Quan khán Tài, phùng Tài khán Sát, phùng Sát khán Ấn, phùng Ấn khán Quan”. “Bảo Pháp – Quyển nhị” nói: “Tử Bình chi thuật, dĩ nhật tử vi chủ, tiên khán đề cương vi trọng, thứ dụng niên nguyệt nhật thời chi, hội thành cách cục phương khả đoán chi, giai dĩ nguyệt lệnh vi dụng, bất khả dĩ niên thủ cách”. Những lời trên của cổ nhân khi nói đến dụng thần, tất cả đều nhấn mạnh tìm ở nguyệt lệnh, các sách đều coi dụng thần với cách cục làm một. Chúng ta chớ có tưởng rằng cổ nhân nói không rõ ràng, không logic (như Từ Lạc Ngô đại sư tưởng thế), nói không rõ sự tồn tại của dụng thần cân bằng nào là phù ức, điều hậu, thông quan. Thực ra trong mắt cổ nhân, dụng thần chính là vật mà nguyệt lệnh dùng để cấu thành cách cục, hoặc nói dụng thần và cách cục là một.

Chính bởi vì dụng thần chỉ là vật mà nguyệt lệnh dùng để định cách, không phải ở bất cứ vị trí nào khác dùng để cân bằng ngũ hành bát tự, cho nên cổ nhân mới gồm dụng thần và cách cục vô làm một, và đem cách cục vật khả dụng của nguyệt lệnh gọi là nội cách, mà cách cục vật không khả dụng của nguyệt lệnh gọi là ngoại cách (xin tham khảo cuốn “Tử Bình Chân Thuyên Bản Nghĩa của tác giả). Chúng ta biết rằng mệnh lý hiện hành chọn dụng thần không chú trọng đến nguyệt lệnh, cho nên cách cục không phân làm nội cách và ngoại cách, hoặc nói không rõ nguyên do sự phân chia nội cách ngoại cách.

Chính bởi vì dụng thần là vật khả dụng của nguyệt lệnh, không hề là mấu chốt của cả bát tự, cho nên có lúc xuất hiện hiện tượng “dụng thần quá nhiều”, dụng thần đã quá nhiều thì mới có câu ” dụng thần có cái bỏ đi có cái không thể bỏ đi” và “ngại gì mà không tổn đến dụng thần (hà sầu tổn dụng)”, thế mới xuất hiện cách cục câu “Khí Ấn tựuTài”, “Khí Quan tựu Thực” v.v… Nếu không thì theo lối suy nghĩ của mệnh lý hiện hành thì chẳng ai giải thích rõ được mấy câu trên.

Chính bởi vì dụng thần là vật khả dụng của nguyệt lệnh, không nhất định là thứ có ích đối với nhật chủ, cho nên dụng thần mới phân thiện và ác, với thiện dụng thần Tài, Quan, Ấn, Thực phải sử dụng với tính chất phù trợ, đối với ác dụng thần Sát, Kiêu, Thương, Nhận thì phải sử dụng có tính chế ước. Cho nên “Ngũ Ngôn Độc Bộ” mới nói ” Có Sát thì trước tiên luận Sát, không có Sát mới luận dụng”, là bởi vì “Các cách suy cho rõ, lấy Sát làm trọng” ấy mà. Dụng thần của mệnh lý hiện hành phải luận trước cả Sát, lại còn không được chế ước Sát nữa.

Có người phản bác: Trong “Thần Phong Thông Khảo” tuy không có chương tiết chuyên luận dụng thần, nhưng còn có “Bệnh dược thuyết” trứ danh đấy thôi? Trương Nam nói “Dược” chẳng phải là dụng thần của mệnh lý hiện hành hay nói hay sao?

Đúng, mệnh lý hiện hành hay lấy thuyết bệnh dược của Trương Nam để mượn làm dụng thần cân bằng. Nhưng nếu chúng ta đọc kỹ nguyên văn sẽ phát hiện “Dược thần” mà Trương Nam nói chẳng phải là dụng thần cái gì cả. Nguyên văn: “Như dụng Tài kiến Tỷ Kiếp vi bệnh, hỷ kiến Quan Sát vi dược dã. Như dụng Thực Thần Thương Quan, dĩ Ấn vi bệnh, hỷ Tài vi dược dã”. Ở đây chẳng phải rõ ràng nói trước “Dụng Tài”, sau đó mới nói “Kiến Tỷ Kiếp vi bệnh, hỷ kiến Quan Sát vi dược” hay sao? Câu sau “Như dụng Thực Thần Thương Quan”, cũng chính là lấy Thực Thần Thương Quan làm dụng thần. Tài là dụng, Tỷ Kiếp là bệnh, Quan Sát là dược ; Thực Thương là dụng, Ấn là bệnh, Tài là dược, ý quá rõ rồi gì nữa? Còn lý do nào để nói dược thần của Trương Nam chính là dụng thần không?

Kỳ thực, dược thần của Trương Nam chính là “Tướng thần” mà “Tử Bình Chân Thuyên” đã nói tới, chẳng qua Trương Nam không gọi nó là tướng thần mà thôi.

- Advertisement -

Có lẽ sẽ còn có người lấy những câu bình chú của Nhậm Thiết Tiều trong “Tích Thiên Tủy” để phản bác lại, Nhậm nói: “Ví như nhật chủ vượng, đề cương là Quan là Tài hoặc Thực Thương, đều có thể làm dụng. Nhật chủ suy, đừng tìm tứ trụ can chi vật có giúp thân làm dụng…”. Dụng thần mà ông nói ở đây chẳng phải dụng thần cân bằng mà mệnh lý hiện hành hay nói sao?

Đúng, sự ra đời của mệnh lý hiện đại e phải lấy Nhậm Thiết Tiều làm công đầu. Vốn nguyên văn “Tích Thiên Tủy” và các sách cổ điển như “Uyên Hải Tử Bình” là nhất mạch tương thừa, nhưng qua tay hậu nhân chú thích, đặc biệt là sau khi qua tay Nhậm lão tiên sinh chú thích, thì cuốn “Tích Thiên Tủy” đã trở thành nền móng cho mệnh lý hiện hành.

Nhậm Thiết Tiều chú thích chương Bát cách trong cuốn “Tích Thiên Tủy”: “Bát cách giả, mệnh trung chính lý dã. Tiên quan nguyệt lệnh sở đắc hà chi, thứ khán thiên can thấu xuất hà thần, tái cứu tư hà lệnh dĩ định chân giả, nhiên hậu thủ dụng, dĩ phân thanh trọc, thử thực y kinh thuận lý, nhược nguyệt phùng Lộc Nhận, vô cách khả thủ, tu thẩm nhật chủ chi hỷ kị, lánh tầm biệt chi thấu xuất thiên can giả, tá dĩ vi dụng”. (Tám cách là chính lý trong mệnh. Trước phải xem nguyệt lệnh là chi gì, sau xem thiên can thấu xuất thần gì, tiếp coi cái gì nắm lệnh để định thật giả, sau đó chọn dụng thần để phân chia sự thanh trọc, đó thực là thuận lý theo kinh sách, nếu nguyệt lệnh là Lộc Nhận thì không chọn được cách, phải xem xét hỷ kị của nhật chủ mà tìm chi khác thấu thiên can mượn đỡ mà dùng). Có thể thấy, phương pháp thủ dụng định cách của họ Nhậm là cơ bản thống nhất với phương pháp “Bát tự dụng thần, chuyên cầu nguyệt lệnh”, “Nguyệt Kiếp vô dụng, lánh tầm ngoại cách” trong “Tử Bình Chân Thuyên”. Tiếc thay, họ Nhậm không hề thông hiểu mật pháp luận cách cục truyền thống này (“Tích Thiên Tủy” luận cách không kỹ càng bằng “Tử Bình Chân Thuyên”), trong khi gặp khó khăn trong lúc luận mệnh, ông đã không kiên trì giữ vững phương pháp này nữa. Cho nên ông sau chương “Bát cách” lại nói rằng: “Từ mấy mệnh trên có thể thấy, cách cục không thể chấp nhất. Không nên câu thúc ở các cách Tài Quan Ấn…, không liên can gì đến nhật trụ, vượng thì nên ức chế, suy thì nên phù trợ, Ấn vượng tiết Quan mừng Tài tinh, Ấn suy gặp Tài mừng Tỷ Kiếp, đây là phương pháp không thay đổi được”. Hèn gì, kiểu phương pháp luận mệnh khinh cách cục, trọng cân bằng này của Nhậm Thiết Tiều chính là lam bản cho mệnh lý hiện hành ngày nay.

Còn chuyện nữa càng khiến người ta tiếc rẻ, sau Nhậm Thiết Tiều là Từ Lạc Ngô đại sư, ông chú thích “Tích Thiên Tủy” mà vô cùng sai lệch nguyên chú, làm cho kẻ hậu học dễ hiểu nhầm nguyên văn, từ đó trượt luôn vào vũng lầy mệnh lý hiện hành. Ví dụ như chương “Thể dụng” của “Tích Thiên Tủy” nguyên chú thích nói rằng: “…nhi nhị tam tứ ngũ dụng thần giả, đích phi diệu tạo”. Ý là khi nguyệt lệnh dụng thần số lượng đạt tới bốn hoặc năm, như vậy thì không phải là mệnh tốt nữa. Ví dụ như nguyệt lệnh là Ấn tinh, khi có hai ba Ấn tinh nếu có Tài tinh khắc Ấn, cách cục sẽ thành “Khí Ấn tựu Tài” cách. Nếu Ấn lên tới bốn năm, Tài tinh sẽ không thể nào khắc Ấn được nữa, tốt nhất là dùng Tỷ Kiếp để tiết bớt Ấn, giống như ý của “Cùng Thông Bảo Giám” nói “Hễ dụng thần quá nhiều, không nên khắc chế, cần phải tiết đi mới hay”. Nhưng nếu Ấn quá nhiều, một là không có Tài khắc, hai là không có Tỷ Kiếp hóa tiết, vậy nhất định không phải mệnh tốt rồi.

Ấy thế mà do Nhậm Thiết Tiều không hoàn toàn hiểu hết được khái niệm dụng thần này, cho nên khi ông phê chú đoạn trên bèn nói: “Nguyên chú nói rằng: hai ba bốn năm dụng thần thực không phải mệnh tốt. Đấy là nói bậy! Chỉ có tám chữ mà nếu khử đi bốn năm chữ dụng thần thì trừ nhật can ra chỉ có hai chữ không dùng, làm sao thế được!”. Nghe ý ông là hiểu không thể có trường hợp một mệnh tạo mà có đến bốn năm dụng thần.

Từ Lạc Ngô đại sư cũng nói đế vào phụ cho họ Nhậm, nói rằng: “Như câu trong nguyên chú hai ba bốn năm dụng thần, họ Nhậm bài xích là phải. Dụng thần làm sao có hai được nói chi đến ba bốn năm dụng thần! (Xem chương Thể dụng tinh thần trong cuốn “Tích Thiên Tủy Bổ Chú của Từ Lạc Ngô)”. Ông khăng khăng dụng thần chỉ có một mà thôi, tuyệt không có hai, nói gì đến bốn năm dụng thần! Ông đâu có biết, dụng thần mà nguyên chú “Tích Thiên Tủy” nói hoàn toàn không phải loại dụng thần mà ông và Nhậm Thiết Tiều nghĩ!

Thật là “Một chữ sai, toàn bàn hỏng bét”, dụng thần mà sai rồi thì phương pháp luận mệnh cũng sai theo! Không ai ngờ và nghĩ được rằng như hai vị đại sư cấp nhân vật trong làng mệnh lý là Nhậm Thiết Tiều và Từ Lạc Ngô lại nhầm lẫn khái niệm hạch tâm nhất, cơ bản nhất, quan trọng nhất của mệnh học — DỤNG THẦN!

Con rùa bò phía trước mở đường, con rùa phía sau bò theo. Cứ thế, ngàn ngàn vạn vạn kẻ hậu học theo sau đít hai ông Nhậm, Từ, thoát li khỏi tư tưởng chính tông của Từ Tử Bình, nhắm đến vũng lầy mệnh lý hiện hành vô biên vô tế phía trước mà tiến bước……

Lão Tử nói rất hay, “Ngũ sắc khiến người ta mù”. Chỉ có mấy ông thầy bói mù (manh sư) mắt không nhìn được ngũ sắc nữa mới không mù quáng đi theo Nhậm, Từ. Họ đã không thể đọc các danh trước mệnh học của hai ông, cũng không thể tham duyệt tư liệu mệnh lý hiện hành, cho nên họ không bị bất cứ ảnh hưởng nào của mệnh lý hiện đại, vẫn cứ y theo phương pháp xa xưa của Tử Bình mệnh học. Có lẽ họ luận cách tinh xác không bằng “Tử Bình Chân Thuyên”, hoặc họ mỗi người có một pho ca quyết luận mệnh cho riêng mình, nhưng khái niệm dụng thần và luận mệnh phép tắc là nhất mạch tương truyền với các kinh điển mệnh lý “Uyên Hải Tử Bình”, “Thần Phong Thông Khảo”, “Tam Mệnh Thông Hội”, “Tử Bình Chân Thuyên” và “Tứ Ngôn Độc Bộ”. Người viết quen biết một vị manh sư họ Dương, công phu của ông rất tinh thâm, nổi danh một vùng. Ông có thể thuộc lòng các ca quyết cổ điển như ” Tứ Ngôn Độc Bộ”, “Ngũ Ngôn Độc Bộ” và “Nguyệt Đàm Phú” v.v…, nhưng ông không hề biết Tí gì về cái gọi là dụng thần cân bằng như phù ức, điều hậu, thông quan. Ông cũng giống như nhiều vị manh sư khác, bình thường chỉ nói về cách cục, không nói dụng thần, bởi vì ông giải thích rằng dụng thần chính là cách cục!

Đấy chính là bộ mặt thật của dụng thần, cho dù các thầy mệnh lý hiện đại mở miệng ra là nói tới nhưng cũng không biết tới nó!

Bổ sung chuyển từ Hán Việt ra Việt ngữ đoạn này, đoạn thứ 22 từ trên xuống, lúc dịch quên béng mất…

“Tử Bình Chân Thuyên – Luận dụng thần” nói rằng: “Bát tự dụng thần, chuyên cầu nguyệt lệnh. Dĩ nhật can phối nguyệt lệnh địa chi, nhi sinh khắc bất đồng, cách cục phân yên”. “Thần Phong Thông Khảo – Thủ cách chỉ quyết ca đoán” nói rằng: “Dĩ nhật vi chủ bản, nhi thủ đề cương vi dụng. Thứ cập niên nguyệt nhật vi thực, phùng Quan khán Tài, phùng Tài khán Sát, phùng Sát khán Ấn, phùng Ấn khán Quan”. “Bảo Pháp – Quyển nhị” nói: “Tử Bình chi thuật, dĩ nhật tử vi chủ, tiên khán đề cương vi trọng, thứ dụng niên nguyệt nhật thời chi, hội thành cách cục phương khả đoán chi, giai dĩ nguyệt lệnh vi dụng, bất khả dĩ niên thủ cách”.

Chương Luận dụng thần trong sách Tử Bình Chân Thuyên nói rằng: ” Dụng thần của bát tự, nên tìm ở lệnh tháng mà thôi. Lấy nhật can phối hợp với địa chi lệnh tháng, bởi do sinh khắc không giống nhau nên phân ra các loại cách cục”.

Chương Thủ cách chỉ quyết ca đoán trong sách Thần Phong Thông Khảo nói rằng: “Lấy ngày làm thân gốc, mà lấy đề cương (lệnh tháng) làm dụng. Thứ đến lấy năm tháng ngày làm quả, gặp Quan thì phải xem Tài, gặp Tài thì phải xem Sát, gặp Sát thì phải xem Ấn, gặp Ấn thì phải xem Quan”.

Quyển thứ hai của sách Bảo Pháp nói rằng: ” Thuật xem Tử Bình, lấy ngày làm chủ, trước hết phải xem đề cương (lệnh tháng) là điểm quan trọng, kế đến dùng chi năm tháng ngày giờ, hội thành cách cục rồi mới có thể đoán, thường các trường hợp đều lấy lệnh tháng làm dụng, không được lấy năm để chọn cách.

(Nguồn: sưu tầm)

- Advertisement -
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisement -
- Advertisment -

Có thể bạn thích

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY