Cần thấu triệt những nguyên lý căn bản nào để đoán đúng một lá số tử vi ?
– Cụ Quản Văn Chính, cử nhân Việt Hán –
I.Mối tương quan giữa sao Chính thủ mệnh và cung An Mệnh cùng Bản Mệnh.
1/Sao chính diệu và cung an Mệnh. Thế nào là Miếu địa và hãm địa ?
Tỷ như sao chính thủ Mệnh là sao Tử vi mà đóng tại cung Ngọ thì được gọi là ông vua ở chính ngôi hay TỬ VI MIẾU ĐỊA bởi lẽ Tử vi thuộc hành Thổ đóng tại cung Ngọ thuộc hành hỏa, Hỏa sanh Thổ.
Nhưng thật ra việc ngũ hành sinh khắc ở đây có thể chỉ là việc thứ yếu. Theo nền triết lý của Á đông ta – mà thuyết chính danh, chính vị rất quan trọng, thì cung Ngọ được coi là cung chính yếu, là chỗ cao quý nhất dành cho vị chúa tể ở dưới đất là ông Vua mà ở trên Trời mà là ( Trời hay Vũ trụ Tử vi ) là sao Tử Vi, sao đầu trong hệ thống tinh tú của lá số.
Vì vậy mà theo nguyên tắc “ Song Phương “ Ngọ đối với Tí sao Tử vi đóng ngay cung Tí ( thuộc hành Thủy mà Thủy khắc Thổ cũng được coi là Miếu địa.
Nhưng cũng vì lẽ sinh khắc nên khi dạy đoán số tử vi sách đã phải viết:
– “ Tinh lâm miếu vượng, tái quan sinh khắc chi cơ “
– “ Mệnh tọa cường cung, tu sái chế đa chi lý “
Câu thứ nhất có nghĩa là, “ Sao đóng ở cung đã được ghi là Miếu Vượng thì phải nhớ, nhưng nếu muốn đóan cho đúng, cần xem kỹ lại để biết sao ấy sinh khắc thế nào với cung an Mệnh.
Đến đây tôi xin được mở một ngoặc lớn để trình bày với quý vị độc giả một nhận xét cá nhân như sau:
– Trang báo SM trước đây một bạn đồng nghiệp của tôi ông Đoàn Đình Quất có chủ trương dùng toàn chữ Việt để giảng giải về khoa Tử vi cho đỡ mất thì giờ của bạn đọc cũng như đỡ tốn giấy, tốn mực và phí công ấn loát. Đành là như thế, nhưng tôi thiết nghĩ việc xài chữ Hán Việt tức là chữ Hán theo mâu tự La Tinh trong việc nghiên cứu về khoa Tử vi rất có lợi.
Thứ nhất, những sách cổ viết về khoa này đều là những sách chữ Hán mà sự trích dịch ra chữ Việt đều bị ít nhiều sai lạc. Một chứng cớ thông thường nhất là trong sách chữ Hán có câu phú:
_ “ Tử Vũ tài năng cự tú Đồng Lương Xung thả hợp “
Hầu hết các sách viết bằng chữ Việt đều giảng là: Người có sao Tử vi và Vũ Khúc hợp với sao Đồng Lương là có tài năng . Thật ra, Tử vi đó là tên ông Tử Vũ chứ không phải Tử vi và Vũ Khúc.
Lại nữa, việc dùng chữ Hán Việt sẽ giúp những ai muốn nghiên cứu thật sâu rộng về khoa Tử vi, có thể làm quen với chữ Hán để một ngày kia đọc thêm những sách do chính Trần Đoàn viết mà Trần Đoàn, vị Tổ Sư của khoa tướng số là một người Trung Quốc sanh vào đời Tống sơ. Thêm vào đó, khi sang Đài Loan vào năm 1964 để nghiên cứu về khoa trắc nghiệm tâm lý, tôi đã có dịp làm quen với mấy nhà tri thức chuyên khảo cứu khoa Tử vi. Họ cho biết rằng:
– Hiện nay ở Đài Loan người ta không còn lập cung mệnh cho những người sanh tháng nhuận một cách máy móc là ngày đầu trong tháng nhuận tính như 15 ngày đầu của tháng chính và 15 ngày sau tính vào tháng tiếp. Nay, người ta căn cứ vào tiết của tháng chính tháng nhuận để quyết định.
Cũng như việc giáp giờ người ta không lấy cả hai lá số để xem giờ nào hợp hơn mà người ta đếm khoáy trên đầu.
Vì mới biết lối mới này có 7, 8 năm nên tôi chưa dám nói lối nào đúng hơn tôi chỉ xin nói để làm tỷ dụ rằng biết đọc chữ Hán lợi lắm cho việc nghiên cứu tử vi, cũng như muốn giỏi về khoa chỉ tay mà không đọc được sách của Cheiro viết bằng tiếng Anh hay sách của Capitaine d’Arpentigny viết bằng tiếng Pháp thì không sao giỏi được.
Vì những lẽ đó mà tôi ưa dùng chữ Hán Việt.
Trở lại mối tương quan, không những Tử vi đóng tại cung Ngọ là miếu địa, mà tại cung Tí hay Dần Thân cũng là Miếu, dù hai hành không tương sinh.
Vì thế Miếu hay Hãm không chỉ căn cứ vào luật Ngũ hành mà quyết định, mà còn căn cứ cả vào học thuyết Chính danh Chính vị nữa ! Thật là phiền phức, cũng như tất cả những điều phiền phức khác mà tôi đã nêu ở trên. Vì thế là con người khá thực tế trong công việc nghiên cứu tôi đã hơn một lần định chỉ học kỹ về khoa xem chỉ tay rồi hiện nay, tôi tránh né những khó khăn của Tử vi bằng khoa xem chỉ tay.
Vì tránh né nên tôi cũng không quá nệ sách, tôi chỉ dùng có 2 trường hợp: sao chính diệu đắc địa hay hãm địa mà thôi.
Đến đây để câu chuyện đỡ khô khan, tuy tôi đã đưa ra rất nhiều nhận xét có thể gọi là mới mẻ và hấp dẫn tôi xin dẫn ít nhiều tỷ dụ cụ thể để chứng minh rằng sao chính diệu đóng tại miếu địa tốt ra sao và hãm địa xấu thế nào ?
Chắc quý vị độc giả còn nhớ lần trước tôi có ghi lá số của tuổi Tân dậu tháng 9 ngày 23 giờ thìn, người thanh niên này nhờ có sao Tử Vi cư Ngọ mà mới chưa đầy 30 tuổi đã công thành danh toại với chức vụ Tri huyện vào năm 1944, tức là mới có 22 tuổi đã xong cử nhân luật trong thời Pháp thuộc tại Hà Nội trong khá nhiều bọn đồng tuế lẹ lắm là đỗ xong tú tài II hay một hai phần cử nhân là nhiều.
Nhưng vì Mệnh của ông ta thuộc hành Mộc, đóng tại cung Ngọ, hành hỏa nên…. ( xin quý vị độc giả viết tiếp cho )
Trái lại ông sau này tuổi Bính Thìn sanh vào tháng 5 ngày 20 giờ Tí thì thật là tốt.
– Mệnh hành Thổ Ngọ cung hành Hỏa sanh Thổ, nên chưa đến 40 tuổi đã làm đến Thượng Thư đúng như câu phú:
– “ Tử vi cư Ngọ, vô sát tấa vị chí công khanh “
Bản Mệnh và cung An mệnh, thế nào là cường cung ?
Như bài trước đã nói mỗi lá số Tử vi được chia làm 12 cung và mỗi cung lại vừa là Âm hoặc Dương thuộc một trong 5 hành Kim, Mộc, thủy, Hỏa và Thổ. Mỗi cung lại còn chia ra là CƯỜNG, NHƯỢC khác nhau, tùy theo lần này là PHƯƠNG HƯỚNG chứ không như ở đoạn I. Tùy theo lé Chính danh Chính vị. Lại cách chia “ cường nhược “ này cũng không dựa vào sự quan trọng về ý nghĩa của mỗi cung như ngôn ngữ thôngg thường vẫn nói là “ về phụ nữ , cung mệnh cung Phúc đức, cung Phu và cung Tử được coi là CƯỜNG CUNG, tức là cung quan trọng mà về nam giới nhiều nhà nghiên cứu lại chủ trương rằng cung Nô bộc là quan trọng nhất, sau cung Mệnh Thân và Quan lộc.
Nay nếu theo phương hướng thì trên lá số Tử vi cung ngọ và cung Tí được gọi là cường cung với ảnh hưởng như sau:
– Mệnh đóng tại đó đã tốt nếu có các sao đắc địa càng tốt hơn thêm nếu có xấu thì cũng bớt xấu. Nhưng câu phú dạy: “ Mệnh tọa cường cung tu sat chế, hóa chi lý “. Tức là dù mệnh có đóng tại cung Tí hay Ngọ chẳng hạn, ta cũng phải xét xem sao Chính diệu tọa thủ ở đó chế hoa ( thay đổi thêm bớt ) thế nào so với cung an Mệnh. Tức là phải xét hai vấn đề.
– Thứ nhất là xem ảnh hưởng 20 sao Chính diệu ra sao đối với hai Cường Cung Tí và Ngọ ?
Tỉ như sao Chính diệu là sao Tử vi: sao này ở Ngọ thì thật là tốt rồi, vì cung Ngọ thuộc Hỏa , sanh ra Thổ là hành mà Chính diệu Tử vi. Nhưng nếu sao Tử vi mà đóng tại cung Tí thì tuy là cường cung nhưng vì cung Tí là cung Thủy, mà Thủy khắc Thổ của Tử vi nên cái tốt giảm đi nhiều lắm.
– Xin độc giả thử đoán xem người nữ nhân tuổi Giáp Tí, sanh tháng 6 ngày 23 giờ Mùi, có sao Tử vi cư Tiys tốt đến thé nào vì bà ta Mệnh thuộc hành Kim mà Kim Thủy tương sanh ) và xấu ra sao ?
Sau khi trình bày các sách cổ đều dùng chữ Cường Cung để nơi hai cung TÍ Ngọ chưa thấy sách gọi hai cung Mão Dậu là “ Nhược cung “ mà chỉ nơi tới cung Thìn Tuất Sửu Mùi là Trung ương, thuộc hành Thổ, có khi tốt cũng có khi xấu, và 4 cung Dần Than Tỵ Hợi thì có khi gọi là Tứ sịnh có khi gọi là Tứ tuyệt. Tôi thú thật là không biết gọi thế là theo địa bàn Tiên Thiên bát Quái hay là theo vòng Tràng sinh ?
– Khi có Tràng sinh đóng thì gọi là Tứ sinh khi có Tuyệt đóng thì gọi là Tứ Tuyệt.
Kết quả là có khi cho là tốt, nếu mệnh đóng ở đó có khi cho là xấu. Còn Mão Dậu hai cung này thật là tội, sao Thiên Tướng chỉ ham địa chờ đóng ở cung Dậu mà đắc địa hay ( hay Bình hòa ) khi đóng ở cung Mão, và nhiều sách, có sách này bảo là đắc địa sách kia nói là hãm địa, khi một chính diệu đóng tại hai cung đó.
Vì nhiều sự mơ hồ như thế nên đôi khi người nghiên cứu không còn chú trọng đến Miếu Vượng Hãm nữa mà chỉ đoán số theo toàn thể các sao.
Tôi nói thế vì học giả Phạm Quỳnh tuy có sao Thái Dương cư Hợi thủ Mệnh ( hãm địa ) mà văn hay chữ tốt, một bước Thượng Thư rồi.
– Đinhh chung gần gũi cái ngai vàng xem thế chẳng cần có Nhật Nguyệt tịnh minh như Khổng minh mà học giả Phạm Quỳnh cũng “ Tả cửu trùng ư Nguyệt diệu “
Và cũng vì thế mà tôi có ý kiến là sở dĩ cung Thìn, Tuất, Sửu Mùi được coi là tốt là “ Cường “ vì ngoài việc tuổi Thìn mà mệnh đóng tại la Võng thì xấu, tôi thấy Mệnh đóng tại Thìn Tuất Sửu Mùi tốt sẵn vì hay được giáp Tả Hữu Khôi Việt hoặc có Âm Dương Tả hữu đồng cung. Mẹo Dậu xấu vì hay bị Kình Dương hãm ở đó nếu tuổi Giáp tuỏi Canh hay và Mệnh tại Dần Thân Tỵ Hợi hay bị Đại Tiểu hao và Kiếp sát đóng nên xấu. Xấu rồi nhiều thì cũng tốt, nếu là tuổi Giáp Mậu, Bính, Canh !
Lại nữa hay cung Tỵ Hợi xem ra là hai cung “ nhược “ nhất trong 12 cung, trong lá số, vì thường là nơi “ trú ngụ “ của tú tinh là Liêm trinh và dâm tinh là Tham Lang và Phá Quân.
Nhưng ở đây Trần Đoàn đã có nghĩ ra cái “ chế hóa “ để làm giảm bớt cái không hay của hai sao Liêm Tham chẳng hạn.
3/ TRƯỜNG HỢP CHẾ HÓA:
Trái với trường hợp chính tinh miếu địa và đắc địa đôi khi chính tinh lại đóng tại các cung xấu gọi là hãm địa, như khi Liêm trinh Tham lang đóng ở Tỵ Hợi,
“ Liêm , Tham, Tỵ , Hợi hình ngục nan đào “ hai chính tinh này đóng ở Tỵ Hợi thì khó mà tránh được phải tù tội “
Tuy nhiên nhờ luật Ngũ hành sinh khắc và chế hóa, sự ngục tù có thể tránh được nếu.
a/ Tham Liêm đóng tại Hợi mà bản Mệnh thuộc hành KIM THÌ TỐT, với điều kiện có Hóa Kị cùng đóng tại cung an Mệnh: Hóa Kị là Thủy khắc Liêm là Hỏa nhưng tuổi Kim đong ở cung Thủy là tốt được sự sinh.
b/ Tham Liêm đóng tại cung Tỵ mà bản Mệnh thuộc hành Hỏa ngộ Hóa kị lại tốt vì tuy Hóa Kị ( thủy ) khắc Liêm ( Hỏa ) nhưng Mệnh đóng ở cung Hỏa không sao có chế hóa.
(Với hai trường hợp này lại thấy Mệnh đóng ở sinh địa là quan trọng nhất )
Tôi xin thưa thật rằng tôi đã chép lại 2 trường hợp này trong quyển Tự điển Tử vi của tác giả Đắc Lộc do nhà xuất bản Phúc Thắng xuất bản tại Hanoi vào năm 1952.
Tôi chỉ gặp trường hợp:
– Bính Thân tháng 2 ngày 18 giờ Thìn ( dương nam ) với Tham Liêm ở Hợi mà mệnh Hỏa, ngộ Hóa Kị.
– Quý Dậu, tháng 4 ngày 12 giờ ngọ ( nữ )
Tôi xin quý vị đương nghiên cứu học hỏi về khoa Tử vi thử đóan xem hai lá số trên đây ra sao. Thực tập như thế, quý vị sẽ tiến bộ trông thấy và sẽ rất lấy làm vui mừng được biết khả năng của quý vị khi tôi nói rõ đó là số của ai.
Tử Vi Việt Nam Sưu Tầm – Theo Tử Vi Lý Số